Người mắc bệnh đái tháo đường nếu không cẩn thận có thể dẫn đến những hậu quả rất nặng nề như biến dạng ngón chân, bàn chân, vết loét khó lành (lỗ đáo), nhiễm trùng hoại tử… và phải đoạn chi (cưa chân). Trong việc chăm sóc bàn chân của người mắc bệnh đái tháo đường có một khâu khá quan trọng, đó là chọn mua giày.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Võ Tuấn Khoa (Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM), người bị đái tháo đường không được đi chân không và không nên mang dép, guốc, sandal. Khi mua giày, người bệnh cần lưu ý những điểm sau: nên chọn giày có đế thật vững và đàn hồi tốt; phần trên của giày làm bằng chất liệu mềm; miếng lót chân phải vững quanh gót; phần mũi giày không được nhọn mà vừa đủ rộng để các ngón chân thoải mái.
Khi mua đôi giày mới, người bệnh đái tháo đường chỉ nên mang trong thời gian ngắn và cần thiết tháo ra cho bàn chân thoải mái, sau đó mới dần kéo dài thời gian mang giày hơn. Trước khi mang giày cần phải xem kỹ có dị vật trong giày hay không. Nên thường xuyên thay đổi giày và vớ sau 4-5 giờ mang liên tục, nếu không có điều kiện thì có thể tháo giày cho thoải mái trong 10-15 phút. Để ngăn ngừa các vết chai do cọ xát giữa da bàn chân và giày, nên mang giày vừa chân hay thêm một lớp đệm ở chỗ bàn chân bị biến dạng.
Vớ có vai trò quan trọng tạo lớp đệm giúp ngăn ngừa cọ xát. Người bệnh không nên mang loại vớ bị bít hẹp ở đỉnh trên; nên chọn vớ bằng sợi vải và sợi len hay chất liệu tổng hợp; nếu bàn chân hay ra mồ hôi nên thường xuyên thay vớ.
TRỌNG KHÔI (ghi)