(SGGP).- Tại Tiền Giang, Bộ NN-PTNT vừa triển khai chương trình “Cộng đồng quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái” tại các tỉnh, thành phía Nam. Ở Việt Nam, chương trình này được triển khai thí điểm trên cây lúa tại 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy (Tiền Giang) và tỉnh An Giang.
Một trong những nội dung chính của chương trình là chọn các giống hoa dại phù hợp trồng quanh ruộng lúa để dẫn dụ thiên địch có ích, có khả năng tiêu diệt rầy nâu và các côn trùng gây hại khác. “Cộng đồng quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái” là một khái niệm mới được một số nước tiên tiến trên thế giới sử dụng thành công để quản lý dịch hại trên một số cây trồng như rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Tại Tiền Giang, qua thí điểm có 75 hộ nông dân của 2 xã vùng trọng điểm lúa: Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) và Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) tham gia trên diện tích khoảng 65 ha, bước đầu đã cho kết quả rất tốt.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng: “Từ kết quả khảo nghiệm thực tế tại Tiền Giang, An Giang, Bộ NN-PTNT phát động các tỉnh, thành phía Nam nhân rộng mô hình này ra cộng đồng trong các vụ sản xuất tới, nhất là vụ đông xuân, vụ lúa chủ lực ở ĐBSCL. Theo tính toán, nếu ứng dụng rộng rãi trên nền tảng các chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và gieo sạ theo lịch đồng loạt né rầy... sẽ giúp giảm chi phí đầu tư, lợi nhuận cao, nâng chất lượng nông sản và thân thiện với môi trường, cần thiết trong việc tổ chức trồng lúa theo hướng GAP”.
Nhựt Đông