Nhập lậu, giả mạo xuất xứ
Cách nay vài ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, cùng lực lượng kiểm tra liên ngành mới tạm hoàn tất việc kiểm đếm lô hàng quần áo trong container nhập khẩu. Số hàng này nhập từ Trung Quốc nhưng giả mạo xuất xứ Việt Nam và Hàn Quốc, bị lực lượng chức năng phát hiện.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, do hàng nhiều chủng loại nên lực lượng hải quan và các đơn vị sẽ tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm của doanh nghiệp để có hướng xử lý.
Lô hàng gồm 47 kiện quần áo, do Công ty TNHH Thịnh Hòa (quận 10, TPHCM) làm thủ tục nhập khẩu từ Trung Quốc, có trị giá khai báo hải quan 49.000 USD. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận, ngoài số quần áo giả mạo xuất xứ Việt Nam (khoảng 3.000 sản phẩm) và Hàn Quốc còn có nhiều mặt hàng khác không thể hiện xuất xứ.
Thêm nữa, trong lô hàng cũng có hàng trăm hộp nhãn mác ghi xuất xứ Hàn Quốc. Nhiều khả năng, số nhãn mác này sẽ được gắn vào các sản phẩm quần áo thời trang chưa gắn mác.
Trước đó, Hải quan TP cũng tạm giữ hàng chục máy đánh bạc nhập khẩu trái phép cập cảng Cát Lái. Doanh nghiệp khai báo hải quan rằng lô hàng là bàn làm việc bằng ván MDF, nhập khẩu từ Australia, được hệ thống phân luồng Vàng - kiểm tra hồ sơ.
Tuy vậy, phát hiện có dấu hiệu nghi vấn nên cơ quan chuyên trách đã kiểm tra thực tế lô hàng. Kết quả phát hiện, trong container không có bàn làm việc mà có 37 chiếc máy đánh bạc đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu. Hải quan TP đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án hình sự.
Điểm qua một số điểm bán mỹ phẩm, quần áo thời trang, giày dép… dọc những tuyến đường kinh doanh sôi động như Nguyễn Ảnh Thủ, đường song hành quốc lộ 22 (quận 12), đường Quang Trung (quận Gò Vấp)… cho thấy, mỗi nơi bán mỗi giá với xuất xứ hàng hóa đủ chủng loại. Đáng chú ý, các thương hiệu mỹ phẩm giả mạo Dior, Chanel, L’Oréal bán đổ đống (son môi, phấn trang điểm, wax vuốt tóc…) với giá siêu rẻ, chỉ từ 50.000 -100.000 đồng/sản phẩm.
Thậm chí, nhiều trang bán hàng điện tử nổi tiếng cũng chào bán sản phẩm cùng thương hiệu có mức giá trên. Mới đây, đại diện L’Oréal Việt Nam đã phát cảnh báo chỉ đích danh các trang web bán hàng giả mạo thương hiệu, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Tăng cường điều tra, xử lý
Chỉ còn vài tháng nữa sẽ kết thúc năm 2019, bước sang năm mới 2020. Đây không chỉ là thời điểm kinh doanh, buôn bán nhộn nhịp của các tiểu thương mà còn là thời điểm lý tưởng cho hàng nhập lậu tuồn vào TP. Một cán bộ quản lý thị trường (QLTT) TPHCM tiết lộ, hàng nhập lậu thường tìm “bãi đáp” ngoại thành cho an toàn, nhất là khu vực giáp ranh TPHCM với các tỉnh lân cận (Long An, Bình Dương, Tây Ninh…).
Để ứng phó với thực trạng này, UBND TPHCM đã yêu cầu các sở ngành, quận huyện thực hiện nghiêm chỉ đạo về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trong đó khẳng định công tác này là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải làm thường xuyên và không có “vùng cấm”.
Thêm nữa, đối với Sở Công thương, UBND TPHCM chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu, pha chế dung môi trên địa bàn TP. Sở Y tế cũng có nhiệm vụ phối hợp cùng các lực lượng chuyên ngành khác kiểm tra tình trạng buôn bán, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm thực phẩm chức năng…
Về phía Cục Hải quan TP, đơn vị đề xuất UBND TPHCM giải pháp xử lý hàng hóa tạm nhập, tái xuất tại Việt Nam, các mặt hàng vận chuyển qua cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không…
Tại một cuộc họp vừa diễn ra trên địa bàn TP, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, cho biết đơn vị đã chủ động rà soát việc phân luồng tờ khai; tăng cường công tác thu thập, phân tích thông tin doanh nghiệp được đánh giá tuân thủ pháp luật; đẩy mạnh công tác soi chiếu đối với hàng hóa nhập khẩu tại cảng biển…
Điều này một mặt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong phân luồng tờ khai, nhưng mặt khác cũng sàng lọc được các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, đưa ra hướng xử lý thích hợp.
Tổng cục QLTT vừa thông tin, sau 1 năm chính thức đi vào hoạt động (ngày 12-10-2018 - 12-10-2019), lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra hơn 140.000 vụ. Trong đó, tiến hành xử lý trên 82.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. QLTT chuyển 109 vụ việc sang cơ quan tố tụng hình sự, trong số này 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý. |