Vấn đề trong tuần

Chồng chéo nên hiệu quả chưa cao!

Chồng chéo nên hiệu quả chưa cao!

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tổng giá trị hàng giả được mua bán hàng năm lên đến khoảng 500 tỷ euro, chiếm lĩnh 1/10 giá trị thương mại thế giới. Lợi nhuận thường cao hơn buôn bán ma túy, rủi ro lại ít vì hệ thống luật lệ lỏng lẻo. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh hàng giả đang được thống trị bởi nhiều băng nhóm tội phạm quốc tế và gây thiệt hại hàng tỷ đôla cho nền kinh tế thế giới.

Chồng chéo nên hiệu quả chưa cao! ảnh 1

Ở Việt Nam, hàng giả cũng tồn tại ở hầu hết nhóm sản phẩm từ hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm đến thuốc men, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh mệnh của người dân. Tình trạng này phổ biến đến nỗi “tem chống hàng giả” cũng bị làm nhái, làm giả!

Ngoài ra, vấn nạn sản xuất và buôn bán hàng giả rất khó ngăn chặn vì nó mang lại siêu lợi nhuận cho những kẻ làm ăn gian dối. Chúng ta chỉ có thể giảm bớt tác hại của nó bằng nỗ lực từ cả cộng đồng và hiệu quả đạt được tùy thuộc nhận thức, biện pháp thực hiện, đầu tư kinh phí... từ ba phía là cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, ba nguyên nhân chủ yếu khiến nạn sản xuất và buôn bán hàng giả ngày càng gia tăng. Thứ nhất, doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, làm nhái ít khi chủ động hợp tác chuyên môn và hỗ trợ kinh phí cùng cơ quan chức năng chống hàng giả sản phẩm của chính mình; kể cả xem nhẹ khâu thông tin cho người tiêu dùng biết cách phân biệt thật - giả.

Thứ nhì, người tiêu dùng khi bị lừa xong mới biết hàng giả, hàng nhái nên ít khi khiếu nại lên cơ quan chức năng vì ngại phiền toái, mất thời gian và nhất là thiếu tin tưởng. Cuối cùng, về phía cơ quan quản lý nhà nước, tuy Luật Sở hữu Trí tuệ có hiệu lực thi hành từ tháng 6-2006 nhưng ngoài việc chậm hướng dẫn thi hành thì vẫn còn tình trạng chưa được quan tâm đúng mức của các cấp, ngành. Hơn nữa, việc xử lý vi phạm Luật SHTT còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe nếu so với lợi ích thu được của kẻ làm hàng giả, hàng nhái.

Đã có quan điểm cho rằng “chúng ta có hệ thống cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ… thì không thể nói rằng nước ta thiếu lực lượng phòng chống hàng giả. Vấn đề là cơ chế xử lý tranh chấp lỏng lẻo, trách nhiệm từng cơ quan chưa cao, cách tổ chức thực thi thiếu nhất quán, quy định xử phạt chưa nghiêm... Nói tóm lại, sự phối hợp giữa các cơ quan này là chưa đồng bộ và không kịp thời, thiếu phương tiện hiện đại, đặc biệt kiến thức nghiệp vụ chuyên môn của chính cán bộ thực thi vẫn còn nhiều hạn chế”.

Thực ra, ngay trong Nghị định số 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp có nhiều nội dung cụ thể. Điều 23 của Nghị định cũng đã đề cập về mối quan hệ phối hợp khi hành vi xâm phạm cùng lúc xảy ra tại nhiều địa phương.

Quy định như vậy nhằm xử lý không chỉ người bán mà còn truy tận gốc nơi sản xuất hàng hóa xâm phạm, hàng giả. Đồng thời khắc phục tình trạng cùng vụ việc, tính chất, mức độ tương tự nhau nhưng các cơ quan, địa phương khác nhau áp dụng mức phạt khác nhau. Tuy nhiên, thiết nghĩ cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả muốn đạt được kết quả cao thì ngoài sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cơ quan chức năng còn cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhất là sự ủng hộ của các cơ quan báo chí truyền thông.

Thạc sĩ Nguyễn Thiềng Đức
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM

Tin cùng chuyên mục