Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika với số ca tăng cao và lan rộng ra nhiều quận, huyện, chiều 14-11, UBND TPHCM đã triệu tập cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch là lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu chủ trì cuộc họp và chỉ đạo các địa phương quyết liệt ngăn chặn sự gia tăng bệnh dịch Zika, nêu cao trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể địa phương…
Cán bộ y tế phun thuốc diệt muỗi tại khu dân cư
Chưa tích cực vào cuộc
Báo cáo tình hình dịch bệnh Zika và sốt xuất huyết trong tuần qua, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết TPHCM tiếp tục ghi nhận thêm 3 ca mắc mới Zika. Trong đó, 1 ca ở phường 25, quận Bình Thạnh và 2 ca ở phường Cát Lái và Bình Khánh, quận 2, nâng tổng số ca mắc virus Zika tại TPHCM lên 38 ca rải rác ở 13/24 quận, huyện. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, nhìn chung trong tuần qua tỷ lệ mắc đã giảm so với các tuần trước đây. “So sánh với số mẫu xét nghiệm của các tuần trước thì tỷ lệ là 26% nhưng tuần qua còn khoảng 8%”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nói. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc cao phải kể đến như quận Bình Thạnh, quận 2, quận 9… Điều đáng mừng là trong số các thai phụ mắc Zika được ghi nhận có một trường hợp đã sinh nở nhưng qua xét nghiệm bé sơ sinh không bị mắc tật đầu nhỏ.
Tuy nhiên, qua thực tế giám sát công tác phòng chống dịch Zika, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng lo lắng, một số địa phương vẫn chưa tích cực vào cuộc; có quận, huyện làm vệ sinh diệt muỗi, lăng quăng thường xuyên nhưng có quận, huyện chưa thường xuyên, như quận 4, 7, Bình Tân… Khảo sát nhiều khu vực ở quận 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, quận 9, vẫn còn có nhiều vật dụng bị đọng nước, có lăng quăng… Đặc biệt ở quận 2, quận 9, Thủ Đức có nhiều công trình xây dựng gây ứ đọng nước, mất vệ sinh, tạo điều kiện phát sinh lăng quăng, muỗi…
Ông Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND quân Tân Phú, thông tin cả 3 ca mắc virus Zika trên địa bàn quận đều là thanh niên và ở địa phương khác tới làm công nhân trong các tổ hợp may mặc. Sau khi có chỉ đạo của UBND TP, thường trực Quận ủy và UBND quận đã họp quán triệt đến tận các phường, khu phố, giao trách nhiệm cho Trung tâm Y tế dự phòng làm đầu mối cùng các trạm y tế nắm bắt tình hình dịch, triển khai phòng chống… “Cái khó là thiếu nhân lực nên vừa qua đã đề xuất bổ sung thêm cho các trạm y tế. Đồng thời, quận đã trích kinh phí 170 triệu đồng mua hóa chất, máy phun hóa chất diệt muỗi”, ông Trần Văn Phúc cho biết. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Nghĩa Hiệp than rằng, địa phương như đại công trường, có trên 200 dự án lớn nhỏ từ trung ương đến quận, huyện. Có dự án đang thi công còn thiếu ngăn nắp, gây ứ đọng nước, có dự án bỏ hoang nên phát sinh lăng quăng, muỗi. Là địa bàn có số ca mắc virus Zika cao nhất TP (8 ca), Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Thái Thị Hồng Nga cũng kể khó, rạch Xuyên tâm trên địa bàn quận bị cỏ mọc, người dân vứt rác, đổ nước thải nên công tác vệ sinh khó khăn…
Hành động thiết thực, hiệu quả
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đánh giá đã có chuyển biến trong phòng chống dịch Zika. So với thời điểm ban đầu có dịch, các quận, huyện đã tập trung chỉ đạo hơn, phường xã có quan tâm. Dù vậy, đồng chí Nguyễn Thị Thu vẫn chưa hài lòng với một số sở, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt. Ngay như Sở Tài nguyên-Môi trường đã được chỉ đạo rà soát các dự án còn bỏ hoang, dang dở gây phát sinh lăng quăng, muỗi từ 2 tuần qua nhưng đến nay sở này vẫn chờ các địa phương báo cáo lên, rồi tổng hợp lại. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đánh giá công tác truyền thông, tuyên truyền chưa tới, chưa tạo được sự hợp tác, đồng thuận của người dân. “Nói ra rả trên loa, đài mà không hướng dẫn bằng trực quan sinh động thì dân chưa hiểu, chưa làm theo”, đồng chí Nguyễn Thị Thu băn khoăn.
Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thị Thu yêu cầu chính quyền các quận, huyện, y tế dự phòng phải phòng chống bằng việc làm cụ thể, hướng dẫn cụ thể cho người dân như thả cá bảy màu, úp lu, úp chậu chứa nước, thay nước bình bông… Mặt khác, phải tập huấn cho hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để họ tham gia tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch Zika đến từng hộ dân. Sở Tài nguyên và Môi trường phải làm việc ngay với chủ đầu tư có dự án gây mất vệ sinh, ứ đọng nước, yêu cầu họ vệ sinh, nếu họ không làm thì hỗ trợ kinh phí cho quận, huyện làm. “Sở Giáo dục - Đào tạo cũng phải vào cuộc chỉ đạo các trường học thực hiện công tác vệ sinh, diệt lăng quăng, muỗi, không để dịch Zika phát sinh trong trường học”, đồng chí Nguyễn Thị Thu chỉ đạo.
|
TƯỜNG LÂM