Chống tham nhũng: Cuộc chiến vẫn cam go

Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2010 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.

Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2010 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.

Theo đó, nhiều số liệu thống kê trong năm 2010 có xu hướng giảm: các cơ quan chức năng đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 23% số vụ án và giảm 28% số bị can so với cùng kỳ năm trước); Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can (giảm 13% số vụ và giảm 10% số bị can cùng kỳ năm trước); Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm 211 vụ án với 479 bị cáo (giảm 8% số vụ và 11% số bị cáo cùng kỳ năm trước).

Trong số các vụ án tham nhũng bị khởi tố năm 2010, tội phạm tham ô vẫn chiếm tỷ trọng lớn (51,5% số vụ; 54,9% số bị can). Trong tổng số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng, cán bộ cấp xã, phường chiếm tỷ lệ 30,9%; cấp quận, huyện: 22,5%; cấp tỉnh: 13,1%; cấp Trung ương chỉ chiếm 0,3%; các tổ chức khác: 33,2%.

Tổng giá trị tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng phát hiện được là 193,5 tỷ đồng, 516,8ha đất; đã thu hồi được 156,4 tỷ đồng, 432,1ha đất; số còn lại đang tiếp tục thu hồi.

Tuy nhiên, báo cáo thừa nhận, những con số thống kê giảm chưa đồng nghĩa với việc tình hình khả quan hơn. Tình hình tham nhũng tuy có giảm, nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và trở nên tinh vi.

Nghiêm trọng nhất vẫn là tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thuế, quản lý tài sản công. Năm 2010 chỉ có 25 cơ quan, tổ chức, đơn vị tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Ninh Thuận, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Dương, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Phòng và ngành công an.

Thanh tra Chính phủ đang xây dựng tiêu chí đánh giá tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng; phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng hoàn thiện cơ chế và các tiêu chí báo cáo công tác phòng chống tham nhũng; xây dựng kế hoạch thực hiện các cuộc điều tra hàng năm về chi phí không chính thức của hộ gia đình, doanh nghiệp khi giao dịch với các cơ quan nhà nước...  

BẢO VÂN

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Khả năng tự phát hiện tham nhũng còn yếu kém

Tôi không nói là cấp trung ương không có tham nhũng và cũng nhất trí với nhận định của Ủy ban Tư pháp là nếu có thì ở cấp trung ương tham nhũng sẽ có quy mô, mức độ lớn, nhưng không có cơ sở nào để nói tham nhũng ở trung ương nhiều hơn ở cấp cơ sở. Mặt khác, cấp cơ sở là cấp liên quan trực tiếp đến người dân nên hành vi tham nhũng dễ thấy, bức xúc nhiều nhất cũng ở đó.

Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng hành vi tham nhũng ở ta phần nhiều là tham nhũng vặt, chi phí “bôi trơn” cho người thi hành công vụ, có khi mỗi lần chỉ năm ba chục ngàn. Thế nhưng phát hiện, xử lý nghiêm minh tham nhũng dù quy mô nhỏ cũng có ý nghĩa lớn. Có điều, phải công nhận là khả năng tự phát hiện tham nhũng ở các cấp còn yếu kém và càng lên cấp trên càng có khó khăn, vì cán bộ cấp trung ương thường không trực tiếp làm, chủ yếu là địa phương làm. Mà phát hiện gián tiếp thì đúng là khó khăn hơn trực tiếp.

A.THƯ ghi  

Tin cùng chuyên mục