Chú bé chăn cừu và cuộc chiến Syria

Ngày 29-8, Nhà Trắng tuyên bố sẽ tự tạo “lý do hợp pháp” để đáp trả hành động sử dụng vũ khí hóa học ở Syria nếu cần thiết, một khi Tổng thống Barack Obama quyết định sẽ hành động. Dư luận thế giới tin chắc rằng Mỹ sẽ làm được điều đó vì họ là bậc thầy kiếm cớ để tấn công quốc gia khác bằng vũ lực.

Ngày 29-8, Nhà Trắng tuyên bố sẽ tự tạo “lý do hợp pháp” để đáp trả hành động sử dụng vũ khí hóa học ở Syria nếu cần thiết, một khi Tổng thống Barack Obama quyết định sẽ hành động. Dư luận thế giới tin chắc rằng Mỹ sẽ làm được điều đó vì họ là bậc thầy kiếm cớ để tấn công quốc gia khác bằng vũ lực.

Mười năm trước, lực lượng đa quốc gia do Mỹ đứng đầu tiến hành cuộc chiến tranh Iraq lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein. Điểm đáng chú ý là Mỹ đã rất thành công trong việc tạo cớ đưa quân vào Iraq. Khi ấy Mỹ một mực khẳng định rằng Iraq vẫn đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda và họ đã thuyết phục thế giới tin điều đó. Điều trớ trêu là sau khi đã tiến quân vào Iraq và hạ bệ được ông Saddam Hussein, Mỹ và đồng minh của mình không tài nào tìm được vũ khí hủy diệt hàng loạt ở đây để biện minh cho cuộc chiến.

Chỉ đến khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống năm 2008, ông Bush mới thú nhận việc cáo buộc Iraq sử dụng vũ khí hóa học là một sai lầm của tình báo nhưng dư luận đều hiểu rõ đây chỉ là cái cớ thực hiện cuộc tấn công. Vì những điều này mà nhiều người coi chiến tranh Iraq 2003 thực chất là một cuộc chiến vì dầu mỏ, Mỹ muốn dựng lên một chính phủ thân họ và sẵn sàng cho các công ty Mỹ vào khai thác nguồn tài nguyên dầu khí phong phú của quốc gia Trung Đông này.

Kịch bản ngụy tạo lý do để can thiệp bằng vũ lực vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền từng được Mỹ áp dụng nhiều năm trước đó tại Việt Nam với sự kiện vịnh Bắc bộ. Cuộc tấn công này sau đó bị mổ xẻ rất nhiều với những nghi ngờ đều dồn về phía chính quyền Mỹ thời điểm đó. Đến năm 2010, một tài liệu quân sự giải mật khẳng định sự kiện vịnh Bắc Bộ là do chính giới cầm quyền Mỹ dựng lên.

Và nay, Mỹ lại áp dụng những kịch bản cũ để chuẩn bị tấn công vào một quốc gia có chủ quyền là Syria. Nếu xem xét những “chiêu bài” Mỹ từng áp dụng, không khó để thấy rằng Mỹ đã lôi kéo truyền thông vào một cuộc chiến vì “lẽ phải”. Sau cuộc chiến Iraq, giới truyền thông Mỹ trong đó có tờ báo hàng đầu New York Times đã buộc phải thừa nhận việc đưa tin Iraq có vũ khi giết người hàng loạt để Mỹ thực hiện vụ tấn công là hoàn toàn sai lầm. Trong trường hợp Syria, “sự kiện 21-8” cáo buộc Syria dùng vũ khí hóa học sát hại thường dân liên tục được báo chí phương Tây thông tin dồn dập khiến dư luận nghi ngờ truyền thông phương Tây đang bị lợi dụng để dọn đường cho cuộc chiến Syria.

Có người so sánh việc Mỹ thường xuyên bịa đặt lý do tiến hành các cuộc chiến tranh giống như chú bé chăn cừu hay nói dối về những con cáo. Cái khác nhau giữa Mỹ và chú bé chăn cừu là chú bé chỉ đùa và không có mục đích gì. Nhưng nói chung là người ta không còn mấy tin về thông tin của họ nữa. Có lẽ vì vậy mà lần này Quốc hội Anh, đồng minh thân cận của Mỹ, đã phủ quyết việc Anh sẽ cùng Mỹ tấn công Syria.

Vì sao ở một quốc gia luôn tự cho mình tôn trọng dân chủ, tự do nhất thế giới mà chính phủ nhiều lần lừa dối dân chúng và Quốc hội nhưng họ không hề bị trừng phạt? Đằng sau những lý do được dựng lên là mục đích bảo vệ lợi ích của chính nước Mỹ, nên chắc chắn rồi ai lại đi trừng phạt người bảo vệ lợi ích quốc gia. Và sự thật đó cũng cho thấy việc Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh ở đâu đó với danh nghĩa nghe thật mỹ miều là bảo đảm nhân quyền, dân chủ và tự do cho các dân tộc thì không ai không tin chắc rằng họ đang bảo vệ lợi ích của chính mình, chứ không phải bảo vệ các dân tộc khác.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục