Xuất khẩu cà phê niên vụ mới

Chủ động điều tiết thị trường

Tạm trữ chống đầu cơ
Chủ động điều tiết thị trường

Chưa vào niên vụ mới (2011 - 2012), nhưng thông tin trên thị trường quốc tế cho rằng, cà phê Việt Nam trúng mùa và có sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới, giá sẽ giảm. Nhiều khả năng đây là thông tin mà nhà đầu cơ nước ngoài “tung chiêu” để hạ giá mua.

Cà phê chất lượng cao tại Đắc Lắc. Ảnh: Cao Thăng

Cà phê chất lượng cao tại Đắc Lắc. Ảnh: Cao Thăng

Tạm trữ chống đầu cơ

Trước thông tin trên, 20 doanh nghiệp (DN) trong Câu lạc bộ các DN xuất khẩu cà phê hàng đầu (Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam - Vicofa) nhóm họp cuối tuần qua tại TPHCM để có biện pháp hóa giải. Qua đó, từ tháng 11-2011 đến tháng 1-2012 thống nhất mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn cà phê niên vụ mới, thời gian tạm trữ khoảng 6 – 9 tháng. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA kiêm Chủ nhiệm câu lạc bộ, thông tin này dễ gây ra tình trạng hoảng loạn đối với người trồng cà phê, nhiều khả năng bà con sẽ bán tháo ngay đầu vụ, giá sẽ giảm mạnh, đây cũng là cơ hội cho những nhà đầu cơ nước ngoài. Ngay cả nhiều DN trước khi có cuộc họp cũng tỏ ra lo lắng trước diễn biến trên.

Để ngăn chặn tình trạng này, việc mua tạm trữ là cách duy trì một lượng hàng nhất định, nhằm chủ động điều tiết thị trường, đảm bảo nông dân bán ra với giá hợp lý, có thể với giá tốt hơn so với mức lời 30%, qua đó, thị trường cà phê Việt Nam sẽ dần ổn định, giúp bà con yên tâm trồng cà phê. Điều đó nhằm giúp DN hạn chế rủi ro khi bán trao tay hay bán khi chưa có nguồn hàng, phương thức không ít DN trong nước vẫn làm nhiều năm qua không chỉ với mặt hàng cà phê.

Tại cuộc họp, mới có 16 DN đăng ký nhưng con số dự kiến thu mua lên đến 432.000 tấn. Nếu thực hiện đúng thì giá cà phê Robusta xuất khẩu sẽ không bị nhà nhập khẩu làm giá, công ty nước ngoài phải ngồi lại với DN Việt Nam để thảo luận, bàn nhau thu mua và cùng bán ra thay vì ép giá. Bài học này đã được áp dụng thành công với mặt hàng hồ tiêu niên vụ vừa rồi, dù năng suất và sản lượng tăng, nhưng bà con trồng tiêu chỉ bán ra khi giá lên, giữ lại khi giá xuống. Một ban điều hành với tất cả DN tham gia mua tạm trữ sẽ theo dõi và cung cấp thông tin lẫn nhau trong quá trình mua và tạm trữ.

Ông Nam cho rằng, nếu việc tạm trữ này thực hiện đầy đủ thì giá cà phê trong nước sẽ ít biến động, thậm chí còn có lợi cho người nông dân hơn nữa. Nếu bà con nông dân bình tĩnh, cùng hợp tác với DN xuất khẩu, chỉ bán ra khi thị trường giá tốt và không bán ra khi giá xuống chắc chắn sẽ không bị nhà đầu cơ nước ngoài trục lợi.

Bài học niên vụ 2010 - 2011

Niên vụ cà phê 2010 - 2011 Việt Nam xuất khẩu trên 1,25 triệu tấn, mang về 2,7 tỷ USD, là thời điểm thị trường giá lên, nhưng do khả năng tài chính các DN quá yếu, cộng với rủi ro thị trường và lãi suất ngân hàng quá cao làm DN xuất khẩu mất cơ hội lợi nhuận cao. Nhưng hạn chế lớn nhất chính là do DN Việt Nam chưa đoàn kết, thống nhất các giải pháp kinh doanh. Bài học ở đây là nếu tất cả DN xuất khẩu cà phê đoàn kết lại, những DN khó khăn hoàn toàn có cơ hội cùng với DN thành công cùng nhau xuất khẩu cà phê, không để nhà nhập khẩu làm khó. Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, hơn 1 thập niên qua, quyền quyết định và chủ động giá là ở người mua thay vì ở người bán như thập niên 90 về trước. Cùng mua tạm trữ chính là tạo ra nguồn hàng ổn định để cùng với công ty nước ngoài tại Việt Nam bán sản phẩm hàng hóa ra thị trường một cách chủ động và hợp lý.

Thật ra, cách làm này là luôn chủ động nguồn hàng để điều tiết thị trường, chỉ bán khi hàng có trong kho. Việc mua tạm trữ tối thiểu 300.000 tấn so với tổng lượng cà phê hàng hóa chiếm khoảng 20% - 25% hoàn toàn bảo đảm việc điều tiết khi xuất hiện những tình huống rủi ro.

Giờ đây, để kinh doanh lâu dài, DN phải có lượng hàng nhất định trong kho. Mỗi DN không thể mua trữ với lượng hàng lớn nhưng nếu một tập thể (nhiều DN) có thể làm được nếu đồng lòng. Vicofa cho rằng, đây là bước thử nghiệm và cũng là nỗ lực để ổn định thị trường cà phê trong nước. Trước mắt sẽ gặp không ít khó khăn, có DN chưa tin tưởng, nhưng một khi phương thức này vận hành thành công các DN sẽ tin tưởng hơn. Bài học mặt hàng hồ tiêu cho thấy, lúc đầu người nông dân cũng lo sợ, nếu giá xuống không bán ra do lo sợ sẽ bị thiệt hại hơn khi giá tiếp tục xuống. Nhưng chính bà con sau đó nhận ra rằng, khi giữ lại hàng hóa, sau này bán ra đều có lãi cao. Với việc nắm 50% tổng lượng hồ tiêu hàng hóa giao dịch thị trường thế giới sẽ giúp DN chủ động điều tiết thành công ngay cả khi trúng mùa như năm nay.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục