“Nếu không thúc đẩy nhanh quá trình chọn thuần giống, chúng ta sẽ mất đi một giống đậu nành bản địa quý, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước mà các giống ngoại nhập không dễ có được”, đại diện một doanh nghiệp trong nước đã có nhận định trên.
Phục chế giống bản địa
Báo SGGP ngày 14-12-2015 có bài “Bất cập giữa nhu cầu và sản xuất” đề cập Việt Nam là một trong ba nước tiêu thụ sữa đậu nành nhiều nhất, chỉ sau Trung Quốc, Thái Lan về sản lượng với khoảng 613 triệu lít/năm; tính theo bình quân đầu người với 6,8 lít/người/năm, Việt Nam vào tốp 7 thế giới. Bộ NN-PTNT cho biết, đậu nành là một trong 4 loại cây trồng chủ lực, nhưng không còn được bà con nông dân mặn mà trồng vì năng suất ngày càng sụt giảm, đầu ra không ổn định, giá bán lại không cao so với các cây trồng khác nên hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy, sản xuất đậu nành trong nước chỉ đáp ứng 7% nhu cầu, chủ yếu để chế biến làm sữa đậu nành và các loại thực phẩm khác. Tại hội thảo khoa học quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và đồng bộ cho bảo toàn và phát triển đậu nành Tây Nguyên” được tổ chức tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cuối năm 2015, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, giống là khâu yếu nhất, năng suất ngày càng giảm do thoái hóa giống. Các viện nghiên cứu trong nước lai tạo được một số giống có năng suất khoảng 2 tấn/ha nhưng khi trồng đại trà thì hiệu quả không đạt như mong muốn.
Trồng đậu nành giống thuần hoa trắng Cư Jút tại huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông (Ảnh CTV)
Cũng tại hội thảo này, Tiến sĩ Vương Đình Trị, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Hoa Kỳ (NCSB), phát biểu: “Việt Nam muốn phát triển sản xuất cây đậu nành phải bắt đầu từ khâu nghiên cứu giống. Đây là loại cây dễ trồng nhưng do rất mẫn cảm với môi trường nên phải có giống phù hợp cho từng vùng sinh thái khác nhau. Chúng ta không thể đem giống ở khu vực này đến trồng tại vùng đất khác mà có được năng suất và chất lượng như mong muốn. Vì vậy, mặc dù ở Hoa Kỳ có giống chất lượng và năng suất cao, nhưng không thể đem giống đó về Việt Nam trồng để có kết quả như ở Hoa Kỳ. Thế nhưng chúng ta có thể sử dụng giống tốt của nước ngoài trên cơ sở nguồn gen quý phục vụ việc nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo giống mới”.
Nhận ra điều này, Vinasoy thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi quyết định đầu tư áp dụng công nghệ cao để lai tạo ra giống mới, cho năng suất, chất lượng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Vì vậy, Vinasoy hợp tác với các trung tâm nghiên cứu quốc tế và đến cuối năm 2013 đã hình thành Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy; hoàn thiện cơ sở hạ tầng: phòng thí nghiệm, kho lạnh bảo toàn nguồn gen… Sau hai năm nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy cùng các chuyên gia từ NCSB sưu tập được khoảng 300 giống đậu nành bản địa của Việt Nam. Trong đó, chọn được giống thuần đậu nành Cư Jút hoa trắng với nhiều ưu điểm: ít sâu bệnh, năng suất tăng từ 10% - 15% so với giống thường của địa phương. Từ đầu năm 2015, giống này đã được nhân giống, đánh giá và hiện đã hợp đồng sản xuất với nông dân đưa vào trồng trên quy mô khoảng 20ha tại 2 huyện Cư Jút và Đăk Mil tỉnh Đắk Nông.
“Nếu không thúc đẩy nhanh quá trình chọn thuần giống, chúng ta sẽ mất đi một giống đậu nành bản địa quý, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước mà các giống ngoại nhập không dễ có được. Là thương hiệu hàng đầu sữa đậu nành, Vinasoy nhận thấy cần có trách nhiệm này”, một lãnh đạo của Vinasoy chia sẻ trước thành công trong việc phục chế giống thuần đậu nành Cư Jút hoa trắng địa phương.
Có thể bắt kịp năng suất thế giới
Từ những thành công này, các chuyên gia ứng dụng công nghệ di truyền phân tử để chọn lọc và tạo ra các giống đậu nành mới, bảo toàn được phẩm chất quý của giống đậu nành địa phương, đồng thời nâng cao được năng suất, chất lượng của hạt đậu nành để đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm của Vinasoy. GS-TS Henry Thiện Nguyễn, Giám đốc NCSB đánh giá, để nghiên cứu, cho ra đời một giống mới trung bình phải cần 7-8 năm, nhưng với việc áp dụng kỹ thuật chỉ thị phân tử (marker) thời gian rút ngắn được gần một nửa. Có thể khẳng định, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy là trung tâm nghiên cứu hiện đại hàng đầu tại Việt Nam hiện nay nhờ được đầu tư bài bản, không thua gì các trung tâm hàng đầu thế giới. Tiếp tục hướng đi này, theo ông Henry Thiện Nguyễn, Việt Nam nhiều khả năng bắt kịp với trình độ phát triển cây đậu nành của thế giới.
Dự kiến, đến năm 2018, cùng với việc triển khai trồng giống mới đại trà, hệ thống canh tác đồng bộ và những ứng dụng phân sinh học, phân hữu cơ sẽ nâng năng suất của đậu nành Tây Nguyên lên khoảng 3 tấn/ha, gấp đôi so với năng suất trong nước hiện nay, nếu điều này là hiện thực, năng suất trồng đậu nành của Việt Nam sẽ tương đương với năng suất bình quân các nước tiên tiến trồng đậu nành thế giới. Theo số liệu năm 2013, Hoa Kỳ, Brasil, Argentina là ba nước sản xuất đậu nành lớn nhất thế giới, lần lượt chiếm tỷ lệ 32%, 31% và 19%. Năng suất của các nước này vào khoảng 3 tấn/ha. Trong đó, Hoa Kỳ đạt trung bình 2,76 tấn/ha, vùng trung tâm đạt 3,03 tấn/ha; Brasil đạt 2,99 tấn/ha; Argentina đạt 2,69 tấn/ha. Dù chỉ mới “khoanh vùng” hoạt động nghiên cứu tạo giống, năng suất chất lượng cao phục vụ cho các nhà máy sữa của Vinasoy, nhưng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy đủ sức làm thêm nhiệm vụ cho cả ngành đậu nành để tăng sản lượng nguyên liệu đậu nành sản xuất trong nước, giảm dần lượng đậu nành nhập khẩu.
|
CÔNG PHIÊN