Theo Japan Times, chuyến thăm nhằm thúc đẩy hợp tác với khu vực về năng lượng và khẳng định vai trò của Nhật Bản với quá trình hòa bình Trung Đông.
Phát biểu với các phóng viên trước khi rời khỏi sân bay Haneda ở Tokyo, ông Abe nói: “Tôi sẽ xúc tiến tiến trình hòa bình Trung Đông bằng cách cùng mời cả Israel và Palestine tham gia hòa đàm một cách xây dựng”. Thủ tướng Abe trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước thuộc nhóm 7 quốc gia công nghiệp, thăm cả Israel và Palestine sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào tháng 12-2017 về việc Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Tại UAE, Thủ tướng Nhật Bản gặp Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan và các quan chức cấp cao khác. Khoảng 1/4 lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản từ UAE và 1/3 từ Saudi Arabia, trong khi 1/5 khí tự nhiên nhập khẩu vào Nhật Bản từ Qatar và UAE. Chính vì vậy, hòa bình và ổn định ở Trung Đông rất quan trọng đối với nguồn cung cấp năng lượng của Nhật Bản. Hồi tháng 2, tập đoàn INPEX Corp. của Nhật Bản sở hữu 10% cổ phần trong liên doanh khai thác mỏ dầu Lower Zakum ngoài khơi của UAE trong thời hạn 40 năm sau khi chi 600 triệu USD. Tập đoàn này cũng chi 250 triệu USD để mở rộng hoạt động tại 2 mỏ dầu khác của UAE. Khu vực hạ Zakum của UAE sản xuất khoảng 450.000 thùng dầu mỗi ngày.
Tại Jordan, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Hani Mulki và Vua Abdullah II vào ngày 1-5 để thảo luận các cách đối phó với chủ nghĩa khủng bố và công bố hỗ trợ mới của Nhật Bản cho đất nước này khi Jordan phải tiếp nhận khoảng 1,3 triệu người tị nạn từ Syria. Khi tới thăm Palestine sau đó, Thủ tướng Nhật Bản sẽ có cuộc đàm phán với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và cho biết sẵn sàng tham gia vào việc tìm kiếm hòa bình Trung Đông. Nhật Bản luôn kiên định ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine và cho rằng quy chế của Jerusalem nên được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán giữa các bên. Chặng cuối chuyến công du Trung Đông, Thủ tướng Abe dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh mạng.
Chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe đến Trung Đông diễn ra sau chuyến thăm Mỹ và trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên cho thấy Nhật Bản muốn được lắng nghe tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt tại 2 khu vực nóng là Trung Đông và Đông Bắc Á. Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản lo ngại liệu Mỹ có tiếp tục đảm bảo an ninh đối với các đồng minh của Mỹ hay không khi mà quan hệ Mỹ - Triều sắp tới có thể hòa hoãn hơn. Quyết định dẫn đến các cuộc đàm phán giữa Mỹ - Triều Tiên được đưa ra mà không cần tham vấn với Nhật Bản khiến Tokyo lo ngại họ bị xem nhẹ. Còn các quan chức Mỹ lo ngại Nhật Bản có thể không hỗ trợ một cách tiếp cận linh hoạt đối với Triều Tiên khi xem vụ Triều Tiên bắt cóc 17 công dân Nhật Bản những năm 1970-1980 là cản ngại cho quan hệ hai nước và cả quan hệ Mỹ - Triều Tiên.
Trong khi tại Trung Đông, Mỹ có vẻ không còn mặn nồng với tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Vì vậy, với chuyến thăm Trung Đông, Thủ tướng Abe muốn chứng tỏ rằng Nhật Bản có thể thay Mỹ tiếp tục tiến trình này, một mặt nâng cao vị thế của Nhật Bản, một mặt đảm bảo an ninh nguồn cung dầu khí.