Chủ động phòng ngừa bệnh dại

Mặc dù trong 10 năm qua Việt Nam đã có những bước tiến trong phòng chống bệnh dại, nhưng hàng năm vẫn có nhiều trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm phòng cho vật nuôi như chó, mèo và tiêm vaccine phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Người dân chờ tiêm vaccine dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Người dân chờ tiêm vaccine dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Mối nguy tiềm ẩn trong cộng đồng

Những ngày đầu năm 2023, dù chưa bước vào cao điểm nắng nóng nhưng tại một số địa phương đã ghi nhận nhiều người dân đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng dại, nhất là trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua. Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, trong tháng 1-2023, bệnh viện tiếp nhận gần 1.900 ca tiêm phòng dại, trong đó có 1.365 ca tiêm nhắc và 496 ca tiêm mới. Bác sĩ Bùi Hoàng Trương, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết, những ngày qua, đa số người đến tiêm phòng vì bị chó, mèo cắn; một số khác bị các loài động vật khác như chuột, khỉ… cắn.

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, số người đến tiêm vaccine phòng dại do bị chó cắn cũng tăng cao. Chỉ trong tháng 1-2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai tiếp nhận gần 1.000 trường hợp đến tiêm ngừa vaccine phòng dại. Riêng trong những ngày Tết Nguyên đán đã có 250 trường hợp đến tiêm phòng dại. Còn tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận 99 trường hợp bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng dại, trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại - chiếm tỷ lệ 56%. Hệ thống y tế các tỉnh Đông Nam bộ và TPHCM cũng tiếp nhận hơn 5.000 lượt tiêm vaccine phòng bệnh dại trong tháng 1-2023, tăng 25% so với tháng 12-2022 và tăng 400% so với tháng 11-2022.

Theo các bác sĩ, dại vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở nước ta. Tổ chức Y tế Thế giới nhận xét, dù Việt Nam đã có những bước tiến trong phòng chống bệnh dại nhưng trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi năm Việt Nam vẫn có từ 70-100 trường hợp tử vong do bệnh dại. Riêng năm 2022, cả nước ghi nhận gần 60 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người, trong đó khu vực miền Bắc có 23 ca, miền Nam 20 ca, Tây Nguyên 10 ca và miền Trung 5 ca. Nguyên nhân khiến Việt Nam vẫn là quốc gia có số ca tử vong do bệnh dại cao là chưa quản lý được đàn chó nuôi trong cộng đồng. Chó nuôi thả rông, không rọ mõm, không được tiêm phòng vẫn là mối đe dọa nguy hiểm ở nhiều nơi. Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), để ngăn chặn bệnh dại lây sang người, tỷ lệ tiêm phòng dại trên động vật ít nhất phải đạt 70% trong 2 năm liên tiếp. Song trên thực tế, năm 2022, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo.

Người dân tiêm vaccine dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Người dân tiêm vaccine dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Tiêm vaccine là giải pháp hữu hiệu

Dại là bệnh nhiễm virus cấp tính từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt của vật chủ bị nhiễm virus dại. Bệnh được lây truyền qua vết cắn, liếm, vết xước trên da. Bác sĩ Bùi Hoàng Trương cho biết, thời gian ủ bệnh dại từ 3 ngày đến hơn 3 tháng, thậm chí có trường hợp kéo dài hơn. Khi đã lên cơn dại, cả động vật và người đều tử vong. Người mắc bệnh dại thường trải qua các giai đoạn như: giai đoạn tiền triệu chứng (khoảng 1-4 ngày) với biểu hiện sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, đau tại vết thương. Giai đoạn 2, người bệnh thường có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, người bệnh còn bị rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp. Bệnh thường kéo dài từ 2-6 ngày, đôi khi lâu hơn, và cuối cùng người bệnh tử vong. Bệnh dại tiến triển khiến người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Khi phát dại, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc tử vong.

Bệnh dại rất nguy hiểm, nhưng đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt là biện pháp duy nhất để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh dại. Sau khi bị chó, mèo cắn, cần theo dõi con chó, mèo đó, nếu nó sống bình thường thì cần tiêm 3 mũi vaccine; nếu chó, mèo bất thường (chết, bỏ ăn, bỏ đi…) thì nên tiêm đủ 5 mũi. Với những người có nguy cơ mắc bệnh dại cao như bị chó, mèo cắn với vết thương sâu, nặng, chảy máu nhiều kèm tình trạng con vật nghi ngờ có triệu chứng dại hoặc không theo dõi được con vật thì cần được tiêm huyết thanh kháng dại đồng thời với tiêm vaccine phòng dại.

Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2030 không còn người tử vong do bệnh dại. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm; không thả rông chó, mèo; khi đưa chó ra đường phải đeo rọ mõm cho chó; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, người dân cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng hoặc xối rửa vết thương bằng nước sạch liên tục trong 15 phút. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone; hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương, đồng thời đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Các chuyên gia cũng lưu ý người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang để chữa bệnh dại.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre, cho biết, trong năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 12 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 7/9 huyện, thành phố, chiếm số lượng cao nhất cả nước. Nguyên nhân dẫn đến tử vong đều là do không chích ngừa sau khi bị chó, mèo cắn hay liếm vào vết thương. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh dại.

Tin cùng chuyên mục