Tác giả Lê Duy Hạnh - Phó Chủ tịch Hội NSSK VN, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM:

Chủ động “ra ngoài” học hỏi làm giàu sân khấu

Chủ động “ra ngoài” học hỏi làm giàu sân khấu

Sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới được ban hành, các hội văn học nghệ thuật đã có bước triển khai cụ thể nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng tác giả Lê Duy Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM về vấn đề này.

Chủ động “ra ngoài” học hỏi làm giàu sân khấu ảnh 1

Tác giả Lê Duy Hạnh

Tác giả Lê Duy Hạnh phấn khởi cho biết: “Nghị quyết khẳng định và xác lập tính chiến đấu của văn nghệ sĩ – họ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Ở đây, chúng ta đáp ứng nhu cầu của công chúng trong điều kiện mới, đồng thời thực hiện vai trò, trách nghiệm của nghệ sĩ là định hướng thẫm mỹ cho người xem. Việc xác định như vậy giúp chúng ta có một bình diện đánh giá chung đúng đắn nhất. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng khẳng định các hội văn học nghệ thuật là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, có sự định hướng, được đầu tư kinh phí hoạt động…”.

- Sắp tới, Hội Sân khấu TPHCM làm gì để phát triển, phù hợp với thời kỳ mới?

Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đi tìm những mô hình mới, những phương thức mới để hoạt động. Ngay cả chuyện hội viên cũng phải xem xét lại. Như trong 100 hội viên tác giả, chỉ có vài ba chục hội viên còn sung sức sáng tạo thì chúng ta sẽ tách riêng để đẩy mạnh lực lượng sáng tác này, tránh tình trạng cào bằng, ai cũng như ai.

Lâu nay, chúng ta chỉ mới dừng lại ở ái hữu tương tế, dịp này hội cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động ái hữu nghề nghiệp. Khi đẩy mạnh ái hữu nghề nghiệp sẽ hình thành những nhóm tác giả, đạo diễn, nhóm diễn viên… cùng nhau xây những những sản phẩm có chất lượng. Trước đây, khi nói đến thử nghiệm, chúng ta chỉ nghĩ đến “sản phẩm” là vở diễn, còn lần này thì thử nghiệm cả những mô hình sáng tạo.

- Thời gian qua, sân khấu vẫn thiếu tác phẩm hay, lắng đọng, đi vào lòng công chúng?

Hoàn toàn đúng với thực tế hiện nay. Nếu nói một cách nào đó, những năm qua, sân khấu hình thành hai dòng tác phẩm: một là nhà nước bao cấp hoàn toàn, còn lại tư nhân tự bỏ tiền túi ra làm tác phẩm. Khi tư nhân tự bỏ tiền túi ra làm, ai nấy đều chú ý đến yếu tố doanh thu.

Cho nên, muốn có tác phẩm hay, có chất lượng nghệ thuật cao thì khi phúc khảo, nếu phát hiện ra tác phẩm nào có thể đầu tư thêm, làm hay hơn, tôi nghĩ nhà nước cũng nên hỗ trợ, để tăng thêm sức hấp dẫn và lại có được sản phẩm có thể giao lưu quốc tế. Đồng thời, tôi nghĩ, nhà nước nên có một khoản tiền đầu tư cho sáng tạo. Lâu nay, chúng ta đi xem phúc khảo, thấy tác phẩm sân khấu có nội dung không sai thuần phong mỹ tục, sai định hướng… là cho diễn. Thế là, các vở diễn cứ ra mắt, phục vụ khán giả mà chất lượng chưa cao, chưa hay. Còn với dòng tác phẩm mà nhà nước bao cấp, khi thấy tác phẩm nào hay, chúng ta cũng nên “bốc ra”, tìm cách đưa tác phẩm phục vụ  công chúng rộng rãi hơn.

Bên cạnh đó, sân khấu còn đang tồn tại một nghịch lý: có những vở diễn, tác giả đầu tư sáng tạo cả năm trời để có kịch bản hay, nhưng tiền cát-xê cũng ngang bằng với vở diễn sáng tác trong hai tháng. Chính vì thế, một số tác giả chỉ tập trung… viết nhanh, được dựng nhiều, có tiền nhiều, ít ai chịu khó đầu tư thời gian, công sức viết cho kịch bản thật sâu sắc. Tôi nghĩ, nhà nước nên thưởng riêng, thích đáng cho những tác giả sáng tạo ra các tác phẩm hay.

- Trong thời kỳ mới, chúng ta phải làm gì để sân khấu đủ tầm vươn ra thế giới bên ngoài?

Hiện nay, về cơ bản, việc điều hành văn hóa chung của chúng ta dường như còn thiếu tính chiến lược. Cho nên đòi hỏi hiện nay, chúng ta phải vạch cho ra chiến lược phát triển. Về sân khấu, chúng ta phải định ra sân khấu đối ngoại thế nào, sân khấu đối nội ra sao. Ngay cả như sân khấu đối ngoại, cũng phải xác định có hai dòng: đi biểu diễn giao lưu văn hóa và biểu diễn doanh thu. Lâu nay, các ngành khác chúng ta đều có xuất khẩu, còn sản phẩm sâu khấu thì hiếm.

Việc đưa những loại hình như: xiếc, rối nước, ảo thuật sang các nước giao lưu là chuyện bình thường, nhưng còn những đặc sản văn hóa đúng nghĩa của sân khấu như: tuồng, chèo, cải lương, kịch thì sao? Hiện nay, tôi thấy, chúng ta đang bỏ trống thị trường này, chưa có những dự báo tương lai 5 năm hay 10 năm nữa phải làm gì…

- Thời gian qua, chúng ta chưa quan tâm đưa lực lượng trẻ của sân khấu đi nước ngoài đào tạo, tiếp cận với sân khấu thế giới?

Mấy năm nay, chúng ta chưa tạo điều kiện cho những người làm sân khấu ra nước ngoài học tập. Trong khi đó, mỗi lần có một đoàn nghệ thuật nào của nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn, chúng ta xem, cứ khen lấy khen để. Tôi nghĩ, chúng ta mới chỉ tiếp nhận những cái mà bạn bè các nước mang đến, chứ chưa chủ động bước ra thế giới bên ngoài để học hỏi, làm giàu cho sân khấu nước nhà. Đó là một thiệt thòi cho những người làm sân khấu và cả khán giả Việt Nam hiện nay.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Đỗ Hạnh

Tin cùng chuyên mục