(SGGP). – Ngày 4-3, tại TP Cần Thơ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác của Trung ương có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Bộ Tư lệnh Quân khu 9.
Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những kết quả về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của vùng trong thời gian qua. Đặc biệt là kinh tế tăng trưởng cao, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Thời gian tới, để vùng Tây Nam bộ phát triển bền vững, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng các địa phương trong vùng cần tìm hiểu cụ thể tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã và đang diễn ra rất nhanh để có phương án ứng phó tốt, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần đóng vai trò lớn hơn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của vùng. Đặc biệt chú trọng bảo vệ lợi ích người nông dân; tập trung tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích các cây trồng khác, cùng với việc nâng cao chất lượng nhằm tăng sức cạnh tranh hàng hóa nông sản trên thị trường. Tập trung xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông kết hợp với thủy lợi nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng của vùng, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là xây dựng, hoàn thiện các tuyến đê ven biển Đông và biển Tây; Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng các tỉnh, thành trong vùng chú trọng chăm lo sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đầu tư phát triển hệ thống các trường học, bệnh viện tuyến cơ sở…
Tại buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương Lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã đạt được nhiều thành tích trong thời gian qua. Kinh tế khu vực phát triển khá, đời sống bà con thay đổi và là một trong những vùng phát triển tương đối nhanh so với các vùng khác trong cả nước có phần nhờ vào việc giữ vững an ninh - quốc phòng, ổn định chính trị tại địa phương. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Lực lượng vũ trang Quân khu 9 cần tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, gắn xây dựng quốc phòng với an ninh; tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng; cần có ý thức cảnh giác trong bối cảnh hội nhập hóa toàn cầu. Chủ tịch nước cho rằng cùng với hưởng ứng phong trào quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng trong đơn vị cần làm tốt công tác hậu phương quân đội, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách; làm nòng cốt cùng toàn dân giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hiện nay, nước mặn đang xâm nhập sâu vào nhiều địa phương tại ĐBSCL, tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Tại Bến Tre, ranh mặn 4‰ vào sâu 34 - 38km trên sông Hàm Luông, Cửa Đại và Cổ Chiên. Ranh mặn 1‰ trên các sông chính đã lấn sâu vào đất liền 44 - 50km.
Tại Hậu Giang, dù nằm giữa vùng ĐBSCL, xa biển, nhưng vẫn bị nước mặn bủa vây. Hiện nước mặn theo sông cái lớn và kênh xáng Xà No đã xâm nhập vào nhiều địa phương ở TP Vị Thanh, huyện Long Mỹ... Theo Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh sẽ kéo dài đến tháng 5-2014 mới kết thúc và diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng từ 12.000 - 14.000 ha… Hiện Hậu Giang đang triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống xâm nhập mặn như đắp cống đập thời vụ, giữ nước trên đồng phục vụ sản xuất.
Theo ông Đỗ Trưng, quyền Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Trà Vinh, từ đầu tháng 1, các cống ven sông Tiền và sông Hậu đã được chuyển sang vận hành theo hướng tích nước ngọt, hạn chế tiêu xổ nhằm đảm bảo có nguồn nước ngọt đưa vào nội đồng.
BÌNH ĐẠI