Chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiên tai

Khô hạn và siêu bão
Chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiên tai

“Các hiện tượng cực đoan, thất thường về thời tiết như mưa, bão, lũ, khô hạn… không gia tăng về tần suất trong năm nhưng lại gia tăng về cường độ”, đó là nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng quốc gia tại cuộc họp triển khai phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015.

Bờ bao kết hợp đường giao thông giúp ngăn triều cường tại quận 12, TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Khô hạn và siêu bão

Có thể nói, tình trạng khô hạn hiện nay ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên rất khắc nghiệt trong vài chục năm qua. Lãnh đạo Ninh Thuận, địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất cho biết, tỉnh đang đối mặt với nạn khô hạn khốc liệt trong 20 năm trở lại đây: Trên 1.000ha vụ đông xuân bị thiệt hại; ngừng sản xuất, thiếu nước tưới trên 6.100ha; các huyện Cát Hải, Ninh Hải thiếu nước sinh hoạt; trên 150.000 gia súc suy dinh dưỡng, có thể bị dịch bệnh; chỉ gieo trồng được khu vực gần hồ Đa Nhim. Tỉnh Đăk Nông cũng vậy, trên 1.300ha lúa và 5.000ha cà phê bị thiệt hại. Nếu tháng 4 không mưa, lúa bị thiệt hại 50% và ảnh hưởng nặng đến 11.000ha cà phê.

Trong khi khô hạn đang hoành hành khắp vùng Tây Nguyên và mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM, thì việc xuất hiện lũ ngay trong mùa khô ở Quảng Ngãi là hoàn toàn bất ngờ. Cơn mưa trái mùa kéo dài từ ngày 24 đến 27-3, với lượng mưa rất lớn, nhất là các huyện miền núi như Ba Tơ, Tây Trà, Trà Bồng… gây thiệt hại diện tích cây trồng sắp thu hoạch ven sông vùng hạ lưu, cho thấy sự thất thường của thời tiết, kéo theo đó là những thiệt hại về người và tài sản, quốc lộ 24 bị sạt lở, nhiều tuyến kênh mương bị bồi lắng. Tuy nhiên, điều quan tâm chính là việc xuất hiện siêu bão ở biển Đông thường xuyên hơn trong khi khu vực này trước đây hầu như chưa xuất hiện siêu bão. Năm 2013, siêu bão Haiyan tàn phá nặng nề Philippines, năm 2014 có siêu bão Hagupit. Các tỉnh Nam bộ tương đối yên tĩnh với bão lũ nhưng xu hướng dịch chuyển bão về phía Nam ngày càng rõ. Ngoài ra, xu hướng đỉnh triều trên sông ở TPHCM nói riêng và Nam bộ nói chung cũng có xu hướng cao dần qua từng năm, lên 1,68m ở trạm Phú An trên sông Sài Gòn (quận 1), ngang với mức cao kỷ lục năm 2013.

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, với việc xuất hiện khá thường xuyên siêu bão, cần sớm có bản đồ ngập lụt để chủ động ứng phó. Sớm có hướng dẫn việc di dời dân trong trường hợp xuất hiện siêu bão kết hợp triều cường, biển dâng. Những khu vực di dời trước đây chỉ phù hợp với bão thường. Nam Định chưa hoàn thành việc nâng cấp đê sông và đê biển, có 9 điểm xung yếu cần nâng cấp. Cần quan tâm đến phương tiện tìm kiếm cứu nạn phù hợp khi xuất hiện siêu bão. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đề nghị có bản đồ xây dựng ngập lụt vùng ven biển, cũng như quan tâm đến việc đầu tư phương tiện tìm kiếm cứu nạn khi xuất hiện siêu bão. Trước đó, tỉnh Tiền Giang xây dựng phương án ứng phó siêu bão từ cơn bão năm 2005 và 2009, ảnh hưởng đến Tiền Giang. Ngoài ra đề nghị nâng cấp đê biển, dù đã duyệt nhiều năm nhưng việc giải ngân quá chậm. Trong khi đó, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị có kế hoạch quản lý lũ và phương án mở dòng thoát lũ hạ lưu sông Kỳ Cùng, cũng như chương trình ổn định dân cư vùng ảnh hưởng bão lũ. Nhưng quan trọng hơn là có kế hoạch nâng cao năng lực dự báo ngành khí tượng thủy văn, giúp việc phòng chống và ứng phó kịp thời hơn, nhất là với khí tượng thủy văn cấp tỉnh.

21 loại hình thiên tai

Theo Bộ NN-PTNT, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, nhất là siêu bão; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tính toán, xây dựng bản đồ ngập lụt trên cơ sở tài liệu đã có, chuyển giao cho các tỉnh xây dựng phương án, trước mắt đáp ứng tiến độ vào tháng 6-2015. Mặc dù việc phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục. Phương án phòng, chống thiên tai một số nơi còn hình thức, không sát thực tế. Chưa quyết liệt lúc xảy ra bão, lũ, khi vẫn để người đi qua suối, vớt củi… nhất là ở các huyện, xã. Việc xác định vùng nguy hiểm (lũ quét, sạt lở), lập phương án sơ tán người dân chưa thực hiện triệt để. Ý thức và sự hợp tác bộ phận ngư dân với chính quyền trong phòng chống chưa cao, một số ngư dân cố tình không chấp hành chỉ đạo địa phương. Hệ thống liên lạc một số vùng sâu còn thiếu. Việc dự báo bão gần bờ, cường độ mưa sau bão, lũ nhất là vùng núi gặp khó khăn do mạng lưới quan trắc còn thiếu, thiếu cả số liệu thủy văn lưu vực các sông bên ngoài Việt Nam.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Việt Nam nằm trong số những quốc gia gặp nhiều thiên tai, trừ sóng thần và động đất. Vì vậy, mục tiêu là chủ động ứng phó để giảm nhẹ. Với 21 loại hình thiên tai phải rà soát lại thiết bị, xem xét giải pháp và hình thành vài trung tâm để ứng phó, khi mà cả 3 vùng cả nước đều có khả năng đối mặt với siêu bão. Việc nâng cấp đê biển, đê sông, dự báo sóng thần… dù được quan tâm nhưng tiến độ triển khai còn chậm. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo, phải biết tiết kiệm nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cần rà soát lại nguồn nước tại các địa phương. Thực tế cho thấy, ngay cả vùng sông nước mênh mông vẫn có một số khu vực thiếu nước. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu trách nhiệm nên cần phải chấn chỉnh lại bộ máy và xử lý nghiêm, nhất là năm nay Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục