Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Mức lương phải hợp lý và công bằng

Chi trả tương xứng
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Mức lương phải hợp lý và công bằng

Cuối tuần qua, Chính phủ đã trình Quốc hội về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Một trong những nội dung quan trọng và được chờ đợi nhất của lần sửa đổi này là vấn đề tiền lương. Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra tờ trình của Chính phủ về vấn đề này. Bà Trương Thị Mai cho biết:

Công nhân đắn đo khi mua thịt heo trên lề đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) để chuẩn bị bữa cơm chiều. Ảnh: Kim Ngân

Công nhân đắn đo khi mua thịt heo trên lề đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) để chuẩn bị bữa cơm chiều. Ảnh: Kim Ngân

Chi trả tương xứng

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khi thẩm tra cũng đã yêu cầu Chính phủ nhấn mạnh đến vấn đề tiền lương trong toàn bộ sửa đổi lần này, theo quan điểm tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Giá cả sức lao động phải được trả tương xứng như sức lao động đã bỏ ra. Vấn đề là giá cả sức lao động đó được định hình như thế nào? Cơ sở gì để người lao động (NLĐ) biết được tiền lương trong hợp đồng lao động là hợp lý với mình? Chính vì vậy, trong sửa đổi lần này chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Nhà nước. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì NLĐ rất khó nhận thức được sức lao động của mình (thông qua tiền lương) đã đúng mức hay chưa.

Bao giờ trong quan hệ lao động, NLĐ cũng là bên yếu thế, họ chấp nhận mức lương thấp để giải quyết bức xúc trước mắt trong cuộc sống. Vì vậy, Nhà nước và những tổ chức đại diện cho họ phải hỗ trợ để họ đạt được mức lương hợp lý và công bằng.

- PV: Làm thế nào để thay đổi cách tính mức lương tối thiểu (LTT) hiện nay thưa bà, vì mức lương đó hiện nay quá thấp so với thực tế?

Bà TRƯƠNG THỊ MAI: Chúng ta phải nhận thức lại về LTT. Bản chất của LTT là để bảo đảm mức sống tối thiểu. Đó chỉ là cái sàn tối thiểu để căn cứ vào đó trả lương cho NLĐ đúng với giá cả sức lao động. LTT không phải là lương để tham chiếu. Nếu dùng LTT để tham chiếu thì rất thiệt thòi cho NLĐ. Nhưng lâu nay, nhiều doanh nghiệp dùng LTT để tham chiếu.

Khi lực lượng lao động phổ thông còn tương đối lớn, chúng ta vẫn phải tiếp tục công bố tiền LTT theo vùng để hỗ trợ NLĐ, đặc biệt là lao động phổ thông. Nhưng trong tương lai, khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên thì LTT chỉ nên công bố với ngành nghề yếu thế (dệt may, da giày, các ngành nghề sử dụng lao động phổ thông nhiều) để bảo đảm NLĐ không bị trả dưới mức sàn. Tất nhiên tính toán như thế nào để có LTT phù hợp lại là một bài toán khác nữa.

Bấy lâu nay, LTT hay chạy theo lạm phát, lạm phát tăng thì LTT tăng, như vậy là không đúng. LTT phải là mức sống tối thiểu, phải được tính toán theo từng giai đoạn. Tương lai, khi Bộ luật Lao động sửa đổi được thông qua, phải tính lại LTT nhưng với điều kiện nền kinh tế phải tương đối ổn định, chứ CPI vẫn liên tục tăng hàng năm như thời gian qua thì rất khó để đưa ra một mức LTT tương đối chuẩn xác.

Mặt khác, khi nền kinh tế ổn định, không nhất thiết hàng năm phải công bố LTT. Đừng biến LTT thành một công bố định kỳ, gây áp lực rất lớn đối với DN sử dụng nhiều lao động cũng như quản lý giá cả. Khi nào cần thiết mới công bố. LTT ở các nước ổn định có thể duy trì được 3 - 4 năm, thậm chí dài hơn.

Tổ chức lại bộ máy hành chính

Hôm nay 14-11, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII bước vào tuần làm việc thứ 5. Bên cạnh việc thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2012, toàn bộ thời gian còn lại sẽ được Quốc hội dành cho công tác lập pháp.

Tại các phiên họp toàn thể ở hội trường, Quốc hội sẽ thảo luận về các dự án: Luật Quảng cáo; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng chống rửa tiền; Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Giá; Luật Xử lý vi phạm hành chính và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Tại các phiên họp tổ, các dự án luật sẽ được các vị đại biểu xem xét, cho ý kiến bao gồm: Luật Giám định tư pháp; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi).

- Năm 2012 sẽ bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 10 năm tới. Vậy quan điểm tiền lương mới này sẽ được vận dụng thế nào?

Phải nghiên cứu đầy đủ ít nhất là 3 nhóm: cán bộ công chức nhà nước (hành chính); nhóm viên chức; NLĐ làm việc ở doanh nghiệp. Ngoài ra còn lực lượng đặc thù như lực lượng vũ trang nhưng có thể căn cứ vào 3 nhóm chính để thiết lập lương.

Tuy nhiên, để sắp xếp lại theo các nhóm là một thách thức rất lớn. Hiện nay có điều rất không ổn là LTT của cán bộ công chức Nhà nước thì khác với NLĐ. Không lẽ mức sống tối thiểu của họ là khác nhau? Chỉ có một mức sống tối thiểu của người dân thôi, còn thì có thể khác nhau ở địa bàn (ở đô thị thì cao hơn vùng khác). Khi cải cách tiền lương 10 năm tới, phải thiết lập chuẩn mực chung về LTT và một số cơ chế phù hợp khác.

Sau kỳ họp Quốc hội này, ủy ban chúng tôi sẽ bắt đầu tiến hành khảo sát trong 3 nhóm đó về tiền lương để đưa ra những góp ý xác đáng. Nhưng nói chung là sẽ có rất nhiều vấn đề phải bàn lại. Ví dụ hệ thống thang bảng lương hiện nay trong bộ máy cán bộ công chức là quá nhiều (56 bảng), mỗi bảng chỉ cách nhau 0,3, mà 3 năm mới lên một bậc. Mặt khác, bộ máy hành chính cũng đang theo mô hình truyền thống, lương thì không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống và cũng chưa đúng với khả năng lao động, dẫn tới không tạo ra động lực. Lương cứ tuần tự 3 năm tiến một lần, người làm tốt hay không tốt đều hưởng lương như nhau, khiến cho bộ máy chây ỳ.

Sắp tới phải tổ chức lại bộ máy hành chính thành mô hình việc làm, tức là trả lương theo vị trí công việc, trình độ chuyên môn, có thể thăng tiến nhanh. Như thế mới tạo được động lực, bộ máy mới năng động, không bị “cứng hóa” như hiện nay. Còn đối với khu vực DN, lương phải theo giá cả sức lao động.

- Tiền lương hiện nay giữa các trình độ lao động chênh lệch quá thấp, không tạo được động lực?

Lương của lao động có tay nghề chỉ hơn 7%, điều này cũng phải xem xét lại. 10 năm tới, chúng ta phấn đấu đưa lao động có tay nghề lên 55%, rõ ràng phải có động lực để thúc đẩy lao động học nghề. Khi có tay nghề, lao động phải thấy thu nhập của họ hoàn toàn khác lao động phổ thông. Điều đó mới tạo động lực thôi thúc NLĐ học nghề để giải quyết chính nhu cầu cuộc sống của họ bằng thu nhập. Đất nước có đi nhanh hay không phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực nên cần thúc đẩy nhanh hơn việc đào tạo lao động có tay nghề bằng cơ chế nâng cao thu nhập của họ.

- Xin cảm ơn bà!

Phan Thảo thực hiện


Tháng 4-2012 sẽ trình đề án cải cách tiền lương đến năm 2020

Văn phòng Quốc hội cho biết, đến nay, nhiều văn bản trả lời các câu hỏi chất vấn gửi trước đã được các bộ, ngành gửi đến đại biểu Quốc hội. Trong đó, Bộ Nội vụ có công văn trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội về giải pháp tham mưu cho Chính phủ để giải quyết tình trạng tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn quá thấp (kể cả với việc tiền lương tối thiểu đã được quyết định tăng lên mức 1.050.000 đồng/tháng từ ngày 1-5-2012), Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: Bộ đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012 - 2020 để báo cáo Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 5 của Đảng vào tháng 4-2012. Sau khi có kết luận của Hội nghị Trung ương 5, bộ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện các nội dung của đề án cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Văn bản trả lời chất vấn cũng cho biết, việc cải cách tiền lương thời gian tới sẽ tách bạch rõ: tiền lương của cán bộ, công chức do ngân sách nhà nước đảm bảo và tính trong chi phí quản lý hành chính nhà nước. Tiền lương của lực lượng vũ trang do ngân sách nhà nước bảo đảm và tính trong chi quốc phòng, an ninh… Tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp được thực hiện theo cơ chế riêng và tính trong giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.

Lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1995 và trợ cấp ưu đãi người có công do ngân sách nhà nước bảo đảm và tính trong chi ngân sách nhà nước cho an sinh và phúc lợi xã hội. Lương hưu của người nghỉ hưu từ năm 1995 trở về sau do Quỹ Bảo hiểm xã hội bảo đảm.

Về giải pháp đảm bảo biên chế hợp lý nhằm tạo cơ sở cho cải cách chính sách tiền lương, theo văn bản trả lời chất vấn, Bộ Nội vụ sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo Luật Cán bộ, công chức. Qua đó xác định biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và đối tượng quản lý trong từng cơ quan nhà nước, nhằm tạo cơ sở cho cải cách tiền lương có tính khả thi.

A.Thư

Tin cùng chuyên mục