Chủ ôtô phải ký cam kết không đi đường... BOT cầu Bến Thủy

(SGGPO).- Trong ngày 14 và 15-3, chính quyền các địa phương ở hai đầu cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 thuộc địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang triển khai thống kê các loại phương tiện của người dân không giam gia giao thông trên các tuyến của dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và yêu cầu chủ ôtô phải có bản cam kết không tham gia giao thông trên các tuyến của dự án BOT.

Trạm thu phí cầu Bến Thủy

Ngày 10-3-2017, phía Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), UBND TP Vinh và huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) về việc thống kê, báo cáo số liệu ôtô của địa phương và tình trạng sử dụng dịch vụ BOT của trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2.

Nội dung văn bản nêu: "Đề nghị (các địa phương nêu trên) thống kê các loại phương tiện của người dân địa phương không tham gia giao thông trên các tuyến của dự án BOT (có cam kết). Thống kê các ôtô loại 1 và 2 của người dân địa phương đăng ký thường xuyên qua trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 (mua vé tháng, vé quý) và vẫn có tham gia giao thông một phần trên các tuyến của dự án BOT. Số liệu này đề nghị gửi về nhà đầu tư trước ngày 15-3 để tính toán lập phương án báo cáo Bộ GTVT. Các ôtô của chủ phương tiện cam kết không tham gia giao thông trên các tuyến của dự án BOT, nếu có phát hiện ra thì phía công ty sẽ từ chối mức hỗ trợ hiện đang được hưởng do nhà đầu tư BOT chi trả".

Trước đó, từ ngày 3 đến 12-12-2016, mỗi ngày có từ 20-100 ôtô của người dân ở địa bàn huyện Nghi Xuân tụ tập phản đối việc thu phí BOT cầu Bến Thủy 1, gây ách tắc giao thông quốc lộ 1A, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự. Bên cạnh đó, người dân còn sử dụng tiền lẻ mệnh giá thấp (500, 1.000 đồng…) để trả phí khi qua cầu và sau khi đến quảng trường TP Vinh, các xe lại quay về theo hướng cầu Bến Thủy 2 và tiếp tục sử dụng tiền lẻ để trả. Việc làm này đã khiến nhân viên trạm thu phí mất nhiều thời gian tính đếm, dẫn đến ách tắc giao thông. Người dân cho biết, họ không hề đi qua công trình BOT nào nhưng vẫn phải è cổ trả phí cao, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp nhưng chưa được giải quyết.

Theo một lãnh đạo huyện Nghi Xuân, việc thu phí BOT tại trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 là trái với pháp lệnh số 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28-8-2001 về phí và lệ phí. Cầu Bến Thủy 1 đã thu phí từ năm 1990 đến nay. Việc sữa chữa, duy tu, bảo dưỡng đã được người dân đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm, nên việc thu phí BOT là không hợp lý. Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến những người dân sử dụng phương tiện qua cầu Bến Thủy 1 còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Nghi Xuân… Trước đó, trong năm 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Cienco 4 và các cơ quan chức năng kiến nghị việc cần thiết di chuyển vị trí hai trạm thu phí đầu cầu Bến Thủy 1, Bến Thủy 2 về vị trí phù hợp và giảm giá vé phù hợp với mức thu nhập của người dân.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục