Xử phúc thẩm vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường
(SGGPO).- Ngày 11-9, Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (42 tuổi, nguyên Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) về hai tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”.
Phiên tòa phúc thẩm được mở sau khi bị cáo Nguyễn Mạnh Tường kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm và bà Nguyễn Thị Hằng (vợ bị cáo Tường) kháng cáo cho rằng chiếc ôtô Tường sử dụng chở thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền ném xuống sông Hồng là tài sản chung của hai vợ chồng. Vì thế, việc tòa sơ thẩm phán quyết tịch thu chiếc xe trên để sung công quỹ Nhà nước là không thỏa đáng nên Hằng đòi 1/2 giá trị chiếc xe. Mặc dù không kháng cáo nhưng đồng phạm của Nguyễn Mạnh Tường là bị cáo Đào Quang Khánh (19 tuổi, bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường) cũng được dẫn giải đến tòa với tư cách nhân chứng.
Hai bị cáo tại tòa
Mặc dù kháng cáo toàn bộ bản án tại phiên tòa sơ thẩm nhưng trong phần xét hỏi tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường đã xin thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Nói về đơn kháng cáo, Tường cho rằng trong quá trình công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, bị cáo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để xảy ra sai sót. Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, luôn cống hiến phấn đấu cho xã hội nhưng chỉ vì sơ xuất đã để xảy ra sự cố đáng tiếc.
Trong khi đó, khi khai nhận về nội dung vụ án, Tường cho rằng nội dung vụ án là đúng, nhưng lại đổ tội cho Đào Quang Khánh mới là người đề xuất đem thi thể nạn nhân Nguyễn Thị Thanh Huyền ném xuống sông Hồng. Trong khi đó, phản bác lại, bị cáo Khánh thẳng thắn cho rằng chính Nguyễn Mạnh Tường là người chủ động đưa ra phương án ném xác chị Huyền xuống sông Hồng. “Anh Tường bảo “Hay là đem vứt đi”” - Khánh khai.
Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tường tỏ ra khá lạnh lùng khi phủ nhận các hành vi phạm tội của mình. Tường khai rằng sau khi chị Huyền tử vong ở thẩm mỹ viện Cát Tường thì Tường không chỉ đạo các nhân viên trong thẩm mỹ viện thu dọn, phi tang các đồ vật liên quan đến vụ án trong cơ sở thẩm mỹ của mình. Tuy nhiên, những người làm chứng là nhân viên làm việc tại thẩm mỹ Cát Tường đều khẳng định, Tường với vai trò giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường đã chỉ đạo các nhân viên của mình phi tang đồ đạc, tài liệu.
Tại bản luận tội, đại diện Viện kiểm sát nhân dân khẳng định, việc tòa án sơ thẩm tuyên án đối với Tường là đúng người, đúng tội và đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đối với kháng cáo của chị Hằng xin lại một nửa giá trị chiếc xe ô tô, đại diện VKS khẳng định không có cơ sở, đề nghị HĐXX bác kháng cáo của chị Hằng.
Sau khi xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, quá trình xét xử tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX TAND cấp cao Hà Nội đã quyết định tuyên bác toàn bộ kháng cáo của Nguyễn Mạnh Tường và chị Nguyễn Thị Hằng. Theo đó, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường bị tuyên y án sơ thẩm, chịu hình phạt 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và 5 năm tù về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, tổng hình phạt là 19 năm tù giam. Ngoài ra, bị cáo Tường còn bị cấm hành nghề y thời hạn 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
MINH KHANG
- Bắt đầu xét xử vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường