Dù có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước đang bị yếu thế trước các “đối thủ” nước ngoài. Nhưng trên thực tế, Saigon Co.op vẫn là nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam và liên tiếp lọt vào tốp các nhà bán lẻ lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đâu là thế mạnh, là bản lĩnh của nhà bán lẻ? Phóng viên Báo SGGP đã trò chuyện với Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Hòa về những suy nghĩ, dự định của mình để giữ vững danh hiệu, niềm tin của người tiêu dùng đối với Saigon Co.op.
° Phóng viên: Xin chúc mừng ông và Saigon Co.op về những thành công, danh hiệu đã đạt được trong năm 2013, đặc biệt là doanh thu của Saigon Co.op trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 đạt 3.500 tỷ đồng. Đây là một con số rất ấn tượng trong tình hình kinh tế khó khăn, sức mua chưa thật sự phục hồi. Saigon Co.op đã làm những gì để hoàn thành kế hoạch doanh thu tăng 16% trong năm 2013, thưa ông?
° Ông NGUYỄN NGỌC HÒA: Năm qua, Saigon Co.op cũng như các DN khác vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cũng có không ít điểm sáng, đó là kinh tế vĩ mô ổn định, DN đã yên tâm hơn với tình hình lạm phát, lãi suất… Nhưng để DN thật sự có sức bật mạnh mẽ thì chưa có. Hiện tại, hầu hết các DN vẫn đang trong giai đoạn thăm dò tình hình và tìm kiếm cách đi phù hợp. Riêng với Saigon Co.op, năm 2013 cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển mới các điểm bán, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường của TP giao. Nếu nhìn nhận một cách nghiêm khắc, năm 2013 Saigon Co.op chưa có những giải pháp mang tính đột phá để đổi mới và phát triển, mà chỉ dừng ở mức độ chấn chỉnh và rà soát lại hoạt động của mình. Chính vì vậy, doanh thu năm 2013 chỉ tăng 16%, đạt kế hoạch đề ra nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng của những năm trước.
° Năm 2013 kết thúc kế hoạch 5 năm (từ năm 2009 – 2013), Saigon Co.op có đạt được những mục tiêu đề ra?
° Nói thật là một số mục tiêu cơ bản chưa đạt nhưng cũng có những điều chúng tôi làm tốt hơn. Năm 2010, chúng tôi đặt mục tiêu đạt 100 siêu thị vào năm 2015 nhưng đến hết năm 2013, Saigon Co.op mới chỉ phát triển được khoảng 70 siêu thị Co.opMart. Trong tình hình kinh tế như hiện nay thì kế hoạch này khó có thể đạt được. Khi xây dựng chiến lược, chúng tôi tập trung cho Co.opMart nhưng trong quá trình thực hiện, thấy việc tìm đất, việc phát triển siêu thị không thuận lợi, chúng tôi đã điều chỉnh, triển khai những mô hình kinh doanh khác. Trong đó, mô hình cửa hàng Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra ra đời là từ sự điều chỉnh này. Tính đến nay, Saigon Co.op đã có 70 cửa hàng Co.op Food, hơn 100 cửa hàng Co.op, phối hợp với đối tác khai trương đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtraPlus… Với những mô hình mới này, chúng tôi đã đi nhanh hơn so với dự định ban đầu. Mới đây nhất, Saigon Co.op cũng đã khai trương trung tâm thương mại (TTTM) đầu tiên đặt tại Cần Thơ nhằm đa dang hóa loại hình, phù hợp với nhu cầu mua sắm hiện đại của người dân.
° 5 năm qua, thị trường bán lẻ Việt Nam có sự “vào cuộc” của nhiều tập đoàn nước ngoài. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của Co.opMart?
° Như nhiều chuyên gia vẫn nói, việc mở cửa thị trường bán lẻ theo lộ trình cam kết với WTO có cả mặt thuận lợi và khó khăn. Theo tôi, thuận lợi chính là việc gia nhập của các tập đoàn bán lẻ làm cho bộ máy của Saigon Co.op năng động hơn. Do áp lực cạnh tranh buộc Saigon Co.op phải tự điều chỉnh, đồng thời có sự đầu tư nhiều hơn cho con người, công nghệ thông tin, ứng dụng đổi mới các quy trình. Có lẽ, chính trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay mà Saigon Co.op đã lớn lên từng ngày.
° Ông nhận định thế nào về triển vọng kinh tế năm 2014? Để cạnh tranh tốt, Saigon Co.op sẽ phải làm những gì?
° Tôi hy vọng, trong năm 2014 nền kinh tế sẽ tốt hơn, sức mua sẽ được cải thiện. Riêng với Saigon Co.op, năm 2014 là năm đầu tiên chúng tôi thực hiện kế hoạch 5 năm (từ năm 2014 – 2018). Để phát triển, năm 2014, Saigon Co.op sẽ trong mạnh mẽ và quyết liệt hơn, đa dạng hóa loại hình bán lẻ, đồng thời thực hiện nhiều chính sách để đầu tư thu hút nguồn nhân lực và giữ người tài. Hiện nay, Saigon Co.op đang triển khai nâng cấp phần mềm các công cụ quản lý trong toàn hệ thống giai đoạn 2, đưa thêm nhiều ứng dụng mới, cho phép không chỉ kết nối hệ thống mà cả với các nhà cung cấp để rút ngắn các quy trình, thao tác quản lý hàng hóa, có thể đặt hàng qua máy tính. Chi phí cho dự án này là 2,5 triệu USD. Quy trình này bắt đầu chạy thử trong hệ thống từ ngày 1-1-2014 và đến quý 2-2014 sẽ mở rộng kết nối đến tất cả các nhà cung cấp cho Co.opMart.
Trong 2 năm 2014 và 2015, Saigon Co.op đầu tư mạnh trong lĩnh vực logistics, trong đó quy hoạch lại mạng lưới nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu dự trữ và cung ứng hàng hóa cho các siêu thị và cửa hàng tiện ích… Saigon Co.op tập trung cho lĩnh vực này vì đây là mảng mà các DN trong nước còn rất yếu. Nếu không tổ chức tốt hậu cần thì DN không thể “đi xa” được.
° Ông có thể hình dung đến năm 2020, Saigon Co.op sẽ như thế nào trong bức tranh tổng thể của ngành bán lẻ Việt Nam?
° Từ nay đến năm 2020, Saigon Co.op vẫn tiếp tục kiên định mục tiêu đã lựa chọn nhưng phải rất linh hoạt, nhạy bén để đáp ứng được những chuyển biến của thị trường. Tôi nghĩ, nếu Saigon Co.op đáp ứng được với đòi hỏi thị trường thì vẫn tồn tại và giữ vững được vị trí hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc liên kết với các đơn vị trong nước từ chỗ cùng hợp tác, bỏ vốn hoặc mặt bằng theo kiểu “kẻ mua người bán” sang một phương thức hợp tác sâu hơn, gắn chặt chẽ hơn, cố gắng cộng hưởng để phát huy thế mạnh của đối tác, cùng tồn tại lâu dài, chứ không phải cộng tác với nhau rồi thôn tính lẫn nhau. Mặt khác, Saigon Co.op cũng sẽ tiếp tục bắt tay với các đối tác nước ngoài để đa dạng hóa các loại hình kinh doanh. Tôi cho rằng, việc hợp tác trong bối cảnh hội nhập toàn cầu là điều tất yếu. Ở đó, mỗi bên sẽ phát huy được sức mạnh sở trường của mình để cùng nhau phát triển.
° Trong tình hình hiện nay, theo ông, nhà nước cần làm gì để hỗ trợ DN bán lẻ trong nước lớn mạnh?
° Theo tôi, nhà nước phải quy hoạch phát triển hệ thống phân phối một cách cụ thể, rõ ràng như những khu vực nào, lĩnh vực nào dành cho DN nước ngoài và hướng DN nước ngoài phát triển; những khu vực nào, những vị trí nào thì hướng các DN Việt Nam phát triển. Chẳng hạn, các DN nước ngoài có khả năng triển khai mô hình kinh doanh lớn thì kêu gọi đầu tư, hướng đầu tư vào những quy hoạch phù hợp với phát triển những khu mua sắm lớn. Còn những mô hình quy mô nhỏ, phù hợp với năng lực và điều kiện của Việt Nam thì hướng các DN Việt Nam vào phát triển.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng nên có những chính sách linh động trong việc giao đất cho nhà đầu tư. Lâu nay, nhà nước áp dụng hình thức giao đất thu tiền một lần, khiến mức đầu tư bỏ ra rất lớn, đa phần là quá sức, quá khả năng của DN trong nước. Theo tôi, nên linh hoạt cho DN trong nước được phép lựa chọn hình thức một lần hay trả tiền thuê hàng năm. Với hình thức trả tiền thuê đất mỗi năm, DN sẽ có thể gặp rủi ro khi nhà nước điều chỉnh chính sách nhưng vẫn có thể chấp nhận được…
° Là một đơn vị HTX, Saigon Co.op đã làm được những gì cho cộng đồng? Đâu là giá trị cốt lõi của Saigon Co.op?
° Tôi cho rằng, bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào cũng phải đạt đến mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận. Nhưng nếu một DN mà chỉ nhắm đến lợi nhuận thôi thì chưa đủ. Hơn 10 năm qua, chúng tôi đã tích cực tham gia chương trình bình ổn giá của TP với mong muốn mang đến những sản phẩm giá ổn định cho người tiêu dùng.
Khi giá cả ổn định thì sức mua không bị trồi sụt và như vậy, nhà sản xuất cũng ổn định sản xuất, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng đến cộng đồng bằng cách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bởi những sản phẩm an toàn, cân đo đong đếm chính xác với dịch vụ tốt nhất. Hiệu quả thu được từ kinh doanh, chúng tôi đầu tư trở lại để phát triển khách hàng. Hiện tại, chúng tôi đang triển khai chương trình “Khách hàng thân thiết”, “Khách hàng thành viên”. Sắp tới, sẽ triển khai mô hình “HTX tiêu dùng” mà trong đó, khách hàng sẽ tham gia, gắn bó với Saigon Co.op trong một HTX.
Theo tôi, giá trị cốt lõi của Saigon Co.op đã và đang dày công vun đắp đó chính là sự tận tâm, tận lực phục vụ khách hàng. Trong nội bộ chúng tôi luôn nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng, tinh thần gắn kết, tinh thần hợp tác, tinh thần sẻ chia “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.
° Xin hỏi ông câu cuối cùng, bản lĩnh của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là gì?
° Đó là sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Thành công của Saigon Co.op hôm nay và ngày mai sẽ tiếp tục khẳng định cái gì mà DN nước ngoài làm được, nếu mình có đầu tư, có quyết tâm, có rèn luyện thì sẽ làm được. Đặc biệt, trong lĩnh vực bán lẻ, DN nước ngoài hơn hẳn ta về vốn liếng, về vị trí mặt bằng, về kinh nghiệm, công nghệ nhưng tôi vẫn tin các DN trong nước sẽ phát triển và cạnh tranh sòng phẳng với họ. Thách thức ở phía trước là rất nhiều nhưng đó cũng là cơ hội để phát triển.
° Cảm ơn ông và chúc Saigon Co.op ngày càng phát triển!
THÚY HẢI (thực hiện)