Qua thực tiễn hoạt động cách mạng ở hải ngoại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận rõ báo chí có sức mạnh lôi cuốn quần chúng, là động lực thúc đẩy nhân dân đấu tranh chống áp bức bóc lột giành lại độc lập cho dân lộc. Vì vậy, sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, Người đã trở thành chủ bút Báo Le Paria (Người cùng khổ) phát hành tại thủ đô Paris. Trong thời gian này (1922), Người có chủ định xuất bản Báo Việt Nam Hồn bằng tiếng Việt, phục vụ Việt kiều sinh sống ở Pháp.
Bác đã làm bài vè cổ động Việt kiều mua báo, đọc Báo Việt Nam Hồn: “Xin anh em bạn, ai muốn có (Báo Việt Nam Hồn) coi, cắt gửi cho tôi, cái toa mãi chữ, mấy lời chung thủy, thư bất tận ngôn, chúc Việt Nam Hồn, vạn tuế, vạn vạn tuế”. Cái toa mãi chữ là cái giấy đặt mua báo, ai muốn đọc báo này phải đăng ký, trả tiền, chứ không phải biếu tặng, cho không.
Trở về Tổ quốc năm 1941, Việt Minh ra đời, người sáng lập ngay tờ Báo Việt Nam Độc Lập. Trong số báo đầu tiên ra ngày 1-8-1941, Người đã viết bài ca dao song thất lục bát khuyên đồng bào mua tờ báo này, chứ không chỉ khuyên đồng bào đọc báo, muốn đọc báo, bà con nên mua về đọc, cách mạng đang trong thời kỳ trứng nước, lấy đâu ra tiền bạc in báo để phát cho bà con.
Hồi năm 1941, 1942, thấy đồng bào còn nghèo, có đồng chí đề nghị nên phát không thu tiền Báo Việt Nam Độc Lập, Bác Hồ nói lại: Giá tờ báo chỉ có 1 xu, tằn tiện một chút, bà con đều có thể mua được, báo mà chỉ biếu không thu tiền, người ta không đọc đâu!
Còn việc đọc báo của Bác thì không một ai sánh kịp. Hơn 20 năm làm Chủ tịch nước, hàng ngày người vẫn dành thì giờ xem hàng chục tờ báo khác nhau. Người nói: “Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng, xem được nhiều báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”. Khi xem báo, báo có gì hay, Người đánh dấu bút chì đỏ, rồi bảo anh em xem. Bác nói, nếu cứ cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp và hỏng việc. Vì vậy cán bộ trong, ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán phải xem báo Đảng.
Xem 1 tờ báo nọ biểu dương tinh thần phục vụ của một bệnh viện huyện: “Có một bệnh nhân bị đau ruột thừa lẽ ra phải đưa lên tuyến tỉnh, nhưng đã quá nguy kịch, chi bộ họp quyết định mổ ngay do bí thư chi bộ phụ trách. Khi rạch bụng bệnh nhân thấy có mủ, 1 làn hơi phì ra, bí thư chi bộ choáng váng mất bình tĩnh...! một người khác thay chân, ca mổ an toàn”. Đọc xong bài báo, Bác nói vui với anh em: Nếu Bác là người bệnh kia, lại biết bí thư chi bộ mổ, thì Bác chẳng yên tâm. Người mổ cho Bác dù là đảng viên hay không, nhưng trước hết phải là bác sĩ chuyên khoa...
Nói về phê bình, tự phê bình trên báo, Bác đã căn dặn: Phải nghiêm chỉnh, nói có sách, mách có chứng, phải thành khẩn, xây dựng, chớ có phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm; địa phương, cơ quan nào được phê bình phải thật thà, khiêm tốn… Các nhà báo cũng cần khuyến khích nhân dân góp ý phê bình mình, báo mình để tiến bộ mãi.
Những việc làm, những lời răn dạy của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị, giá trị vĩnh cửu đối với mọi người, trước hết là với đội ngũ làm báo cách mạng chúng ta.
NGUYỄN TÂN HÒA