Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Cần bước đột phá trong phát triển nông nghiệp ĐBSCL

Ngày 29-7, nhân chuyến công tác tại ĐBSCL, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ.

(SGGPO).- Ngày 29-7, nhân chuyến công tác tại ĐBSCL, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ.

Báo cáo với Chủ tịch nước về các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết sẽ phối hợp tổ chức tốt Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL tại Sóc Trăng với chủ đề “Tái cơ cẩu nền nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới ”; phối hợp kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện Quyết định 2270 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng nhiệm vụ giải pháp, phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2011 – 2020; cùng với Bộ KH-ĐT, Bộ NN-PTNT hoàn thiện Đề án liên kết vùng ĐBSCL phát triển sản xuất tiêu thụ các mặt hàng chủ lực, Đề án xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp ĐBSCL...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh mà các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã đạt được trong thời gian qua, ghi nhận những nỗ lực của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong việc đôn đốc các địa phương trong vùng hoàn thành nhiệm vụ chính trị, góp phần đưa kinh tế-xã hội của vùng phát triển và giữ vững an ninh quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh thành trong vùng cần có bước đột phá trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, để đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng.

* Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2014. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng khá, diện tích nuôi tôm công nghiệp (7.844 ha) và diện tích nuôi tôm quảng canh (54.590 ha) đều tăng nhanh. Sản lượng thủy sản là 271.730 tấn, tăng hơn 14% so với cùng kỳ. Việc Nhà nước cho phép chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản ở Cà Mau đã mang lại hiệu quả kinh tế gấp tới 10 lần cho nông dân so với trồng lúa. Đến nay Cà Mau đã chuyển đổi 270.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản.
          
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị tỉnh Cà Mau sơ kết chính sách chuyển đổi đất lúa này, bổ sung quy hoạch sản xuất gắn với thị trường và quy hoạch chung của ngành nông nghiệp. Phó Thủ tướng cũng lưu ý Cà Mau phải quan tâm tới xử lý ô nhiễm môi trường do hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ra. Phó Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp phải cơ cấu lại đầu tư cho thủy lợi để giảm thiểu ô nhiễm khi nuôi thủy sản. Trong quan hệ sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Cà Mau cần tập trung xây dựng liên kết sản xuất giữa hợp tác xã với người dân, doanh nghiệp. Trong đó, mô hình doanh nghiệp đầu tư trồng tràm lấy tinh dầu đang phát huy hiệu quả trên địa bàn cần được tham khảo, nhân rộng.

 BÌNH ĐẠI – ĐẤT MŨI

Tin cùng chuyên mục