Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc tại Lý Sơn (Quảng Ngãi): Hỗ trợ ngư dân làm ăn vững chắc hơn

Ngày 15-4, dù thời tiết ở đảo Lý Sơn nắng nóng, tại chân cầu cảng An Vĩnh, đông đảo ngư dân có mặt sớm, phấn khởi đón đoàn công tác của Nhà nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đến thăm. Chủ tịch nước đã ân cần thăm hỏi những ngư dân can trường, bám biển quê hương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc tại Lý Sơn (Quảng Ngãi): Hỗ trợ ngư dân làm ăn vững chắc hơn

Ngày 15-4, dù thời tiết ở đảo Lý Sơn nắng nóng, tại chân cầu cảng An Vĩnh, đông đảo ngư dân có mặt sớm, phấn khởi đón đoàn công tác của Nhà nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đến thăm. Chủ tịch nước đã ân cần thăm hỏi những ngư dân can trường, bám biển quê hương.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Tàu cá bị đe dọa ngày càng tăng

“Tình trạng ngư dân Lý Sơn đi khai thác, đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa bị nước ngoài bắt giữ, phạt tiền, phạt tù, đập phá, tịch thu tài sản thường xuyên xảy ra. Từ đầu năm đến nay, đã có 15 vụ, trong đó 2 tàu bị bắt, tịch thu tài sản; 13 tàu bị ngăn cản, đập phá không cho khai thác làm ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, gây thiệt hại gần 1,7 tỷ đồng” - ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, mở đầu với Chủ tịch nước bằng những thông tin đáng lo ngại.

Ngư dân Lê Văn Cương, xã An Vĩnh nói thêm với Chủ tịch nước và đoàn công tác: “Bản thân tôi gắn bó khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa đã 20 năm. Chi phí cho mỗi chuyến đi tốn khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, tàu thường xuyên gặp tai nạn, rủi ro, kể cả cướp biển. Tháng 5-1992, khi đang hoạt động tại Hoàng Sa, tìm nơi trú tránh vào các đảo gần đó thì bị tàu nước ngoài xua đuổi nên tàu bị bão đánh đắm, may mắn được sống sót”.

Trong khi đó, ngư dân Bùi Văn Phải kể lại vụ tàu của mình bị bắn cháy cabin đầu tháng 3 vừa qua tại vùng biển Hoàng Sa và kiến nghị Đảng, Nhà nước can thiệp ngăn chặn hành vi vô nhân đạo của Trung Quốc để ngư dân yên tâm bám biển. Còn ngư dân Nguyễn Thanh Lâm, xã An Vĩnh, thay mặt bà con ngư dân làm biển ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiến nghị Nhà nước, Chính phủ có biện pháp bảo vệ ngư dân để ngư dân yên tâm bám biển, làm giàu từ biển.

“Đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ riêng những người bị thiệt hại khoảng 50% vốn/chiếc tàu để ngư dân có thể kết hợp các nguồn vốn khác đóng mới lại tàu thuyền và mua ngư lưới cụ tiếp tục bám biển. Mặt khác, Đảng và Nhà nước có biện pháp can thiệp ngoại giao với các nước (nhất là Trung Quốc) không được xua đuổi, ngăn cản, đập phá tài sản, phương tiện để ngư dân yên tâm bám biển. Chỉ đạo các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư tuần tra thường xuyên khu vực quần đảo Hoàng Sa để hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản được yên tâm hành nghề” - ông Trần Ngọc Nguyên kiến nghị.

Bổ sung chính sách thiết thực hơn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý các ngư dân phải quan tâm 2 điều. Đó là quốc gia nào cũng có chủ, dù nhỏ. Điều này hết sức bình đẳng. Phần chủ quyền biển đảo của ta bà con cô bác cứ đánh bắt thủy sản. Nhưng đồng thời phải chú ý điều nữa là vùng biển các nước lân cận. Ngư dân thường xuyên đi đánh bắt trên biển, nên nắm chắc tọa độ, vị trí, phải hết sức chú ý vấn đề này.

Về chính sách, hiện Nhà nước đã triển khai chính sách có tác dụng tốt như đóng mới, sửa chữa cho vay vốn. Nhưng nhìn chung có một số phát sinh, đặc biệt đánh bắt thủy sản xa bờ, nên sẽ hình thành một số chính sách bổ sung để hỗ trợ bà con làm ăn vững chắc hơn. Việc làm ăn có khi gặp thiên tai địch họa, dù không muốn nhưng nó vẫn xảy ra. Chủ tịch nước tiếp tục lưu ý các ngư dân nên gia nhập nghiệp đoàn nghề cá để khi xảy ra sự cố có thể hỗ trợ, nương tựa nhau. Có lợi ích tập thể, chia sẻ với nhau, nghe các cơ quan chức năng hướng dẫn để bảo vệ tài sản, tính mạng và can thiệp kịp thời khi có sự cố. “Hy vọng điều lành tốt hơn, điều dữ ngày giảm đi” - Chủ tịch nước mong muốn.

-------------------

*Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, hiện huyện đảo này có 419 tàu thuyền, công suất trên 43.000 CV, tổng số lao động trực tiếp trên biển hơn 3.000 người. Có 158 tàu đánh bắt xa bờ, khai thác chủ yếu trên vùng biển truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa, sản lượng đạt gần 35.000 tấn. Lý Sơn cũng là huyện đảo đầu tiên thành lập 2 nghiệp đoàn nghề cá của cả nước là An Hải và An Vĩnh, với tổng số đoàn viên 979 người/81 tàu. Các đoàn viên đoàn kết, giúp đỡ nhau khi tàu bị nạn trên biển.

Hà Minh

Tin cùng chuyên mục