(SGGPO).- Hôm nay, 8-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm cấp Nhà nước 3 quốc gia: Cộng hòa thống nhất Tanzania, Cộng hòa Mozambique và Cộng hòa Hồi giáo Iran theo lời mời của Tổng thống 3 quốc gia này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Tanzania, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Tanzania Jonh Magufuli sẽ trao đổi các biện pháp thiết thực và cụ thể để tăng cường quan hệ hợp tác truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Tanzania; đẩy mạnh hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, du lịch…
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Mozambique lần này là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác truyền thống nhiều mặt giữa hai nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ cùng với Tổng thống Mozambique Filipe Jacinto Nyusi trao đổi các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt là trên các lĩnh vực nông nghiệp, viễn thông, dầu khí, xóa đói giảm nghèo.
Tại Iran, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ trao đổi các biện pháp để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế quan trọng như tài chính, ngân hàng, dầu khí.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân trong một chuyến thăm chính thức nước ngoài
Trong các chuyến thăm cấp Nhà nước tới 3 quốc gia này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo các nước cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Trao đổi với báo chí về chuyến thăm này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho biết, đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới Tanzania, Mozambique và lần thứ ba đến Iran. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra trong bối cảnh quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và các nước Tanzania, Mozambique và Iran đang phát triển tốt đẹp. Qua chuyến thăm này, Việt Nam muốn khẳng định chủ trương nhất quán coi trọng quan hệ bạn bè truyền thống và tăng cường hơn nữa quan hệ nhiều mặt với các nước châu Phi nói chung, đặc biệt là Tanzania và Mozambique. Việt Nam cũng muốn khẳng định coi trọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác nhiều mặt với Iran trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Iran vừa được dỡ bỏ.
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ trao đổi với lãnh đạo các nước Tanzania, Mozambique và Iran về tình hình kinh tế - xã hội và đối ngoại gần đây của Việt Nam, đánh giá cao sự ủng hộ của các nước đối với Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng như trên các diễn đàn quốc tế thời gian qua. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tập trung trao đổi thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước trên nhiều mặt, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, viễn thông, dầu khí, du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo... để nâng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước lên một tầm cao mới, phù hợp với tiềm năng sẵn có của các bên. Nhân dịp chuyến thăm này, nhiều hiệp định và bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và các nước sẽ được ký kết.
Về vấn đề hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Tanzania, Mozambique và Iran, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cho biết, trước mắt Việt Nam và các nước cần chú trọng hợp tác ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng mở chi nhánh ở nhau, tạo kênh thanh toán tiện lợi, chi phí thấp, doanh nghiệp nhờ đó mới có điều kiện mở rộng các cơ hội thương mại và đầu tư. Các bộ, ngành cũng cần chủ động nghiên cứu và đề xuất các chính sách khuyến khích hoạt động của doanh nghiệp ở các thị trường cách xa về địa lý với giải pháp liên quan đến chi phí vận chuyển, các gói tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm đầu tư, thông tin tư vấn pháp lý... Các bộ, ngành cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề cần cải tiến hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp thông tin cụ thể về cơ hội thị trường mà sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp ta có thể nắm bắt, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư có trọng điểm, hiệu quả cho doanh nghiệp.
Các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở các nước trên thế giới cần tìm kiếm các nguồn vốn ở các nước và tổ chức quan tâm tới châu Phi để kết nối hoạt động cho doanh nghiệp ta dưới các hình thức hợp tác ba bên ở châu Phi. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn và chủ động tìm hiểu, yêu cầu, đề xuất các cơ quan chính phủ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, kể cả các các biện pháp với chính phủ các nước Tanzania, Mozambique và Iran để các cơ quan đại diện ta tại các nước này phản ánh và giải tỏa các vướng mắc. Chính các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần trao đổi với nhau thường xuyên để chia sẻ kinh nghiệm về văn hóa kinh doanh, thị hiếu của người dân sở tại và cùng nhau phối hợp các kế hoạch kinh doanh cùng có lợi.
Tin và ảnh: TRẦN LƯU