Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả khởi sắc, hầu hết các ngành sản xuất, dịch vụ tiếp tục phát triển, tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đó, Đồng Tháp chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ ba, luân canh các loại cây trồng, thuỷ sản, sử dụng hiệu quả nguồn nước. Các mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen; chuyển đổi đất lúa sang đất trồng cây ăn trái, hoa kiểng, nuôi thủy sản… đã giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 370 - 450 triệu đồng/ha so với canh tác lúa trên cùng diện tích. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, mở ra hướng tiếp cận mới cho nông dân, góp phần tiết kiệm nước, giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng nông sản.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo và thuỷ sản của Đồng Tháp ước đạt trên 820 triệu USD. Tỉnh đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng trái cây, trong đó xoài được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zeland. Đồng Tháp xây dựng mô hình “Hội quán nông dân” là nơi kết nối tri thức, chia sẻ thông tin giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân; là tiền đề phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, toàn tỉnh có 80 “Hội quán nông dân” với trên 4.300 thành viên tham gia; có 17 hợp tác xã kiểu mới được thành lập trên nền tảng mô hình này.
Đồng Tháp cũng chú trọng xây dựng nông thôn mới với 55 xã được công nhận đạt chuẩn, thành phố Sa Đéc là đơn vị cấp huyện đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, Đồng Tháp vươn lên vị trí thứ 2 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và là tỉnh duy nhất có 11 năm liên tục nằm trong nhóm có chất lượng điều hành cao nhất nước. Du lịch của tỉnh cũng khởi sắc, trong 9 tháng đầu năm 2019 đón 2,8 triệu lượt khách, tăng 12,39% so với cùng kỳ; tổng doanh thu 700 tỷ đồng, tăng 18%. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 1.430 người đi lao động ở nước ngoài, nâng tổng số lao động của Đồng Tháp hơn 5.500 người làm việc ở nước ngoài; mỗi năm người lao động gửi về địa phương gần 1.500 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Dương, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Đồng Tháp đạt 6,45%; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 50 triệu đồng…
Tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư tuyến đường mới An Hữu - Cao Lãnh (cao tốc), bởi hiện nay cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến kết nối đã đưa vào hoạt động, lưu lượng phương tiện tăng cao, trong khi Quốc lộ 30 đường nhỏ, hẹp, không đáp ứng lưu thông; do đó cần đầu tư sớm tuyến đường mới này với tổng kinh phí khoảng 5.380 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xem xét đầu tư tuyến tránh thành phố Cao Lãnh dài 12,6 km, kinh phí khoảng 815 tỷ đồng… |
Đối với những kiến nghị của Đồng Tháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về xây dựng tuyến đường mới An Hữu- Cao Lãnh và tuyến đường tránh TP Cao Lãnh. Quốc hội sẽ trao đổi với Chính phủ để giải quyết sớm về giao thông cho Đồng Tháp, cũng như các tỉnh ĐBSCL. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đồng Tháp phát huy thế mạnh nông nghiệp đi vào chiều sâu, tăng giá trị; chú trọng xây dựng thêm nhiều xã nông thôn mới; quan tâm an sinh xã hội, xây dựng chính quyền vững mạnh, chuẩn bị tốt cho đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới…
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã đến dâng hương Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Mẫn (SN 1930, ngụ xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh), thăm gia đình chính sách ở huyện Cao Lãnh; thăm nhạc sư Vĩnh Bảo đang sinh sống ở TP Cao Lãnh…
Dịp này, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Tháp trao 200 suất học bổng và dụng cụ học tập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá 335 triệu đồng.