(SGGPO). - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3238/UBND-TH chỉ đạo giám đốc một số sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các quận xử lý sau thanh tra việc cải tạo, thay thế cây xanh một số tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội.
Xét kiến nghị của Thanh tra thành phố tại Kết luận Thanh tra số 904/KL -TTTP ngày 8-5-2015 về thanh tra cải tạo, thay thế cây xanh một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND thành phố theo lĩnh vực được phân công chỉ đạo khắc phục những thiếu sót trong việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn TP đã nêu tại kết luận thanh tra; tăng cường chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội. Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo Sở Xây dựng và các tổ chức, cá nhân liên quan theo thẩm quyền, xong trước ngày 30-6-2015.
Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo khắc phục những tồn tại, thiếu sót nêu trong kết luận thanh tra. Kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo sở và cá nhân, đơn vị trực thuộc để xảy ra những thiếu sót đã nêu tại kết luận thanh tra; báo cáo UBND TP trước ngày 15-6-2015.
Mặt khác, các đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Thông báo 40/TB-UBND ngày 20-3-2015 và Văn bản số 2132/UBND-TH ngày 01-4-2015 của UBND TP Hà Nội, trong đó khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tất cả các khâu, các tiêu chí, cũng như biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện trong thời gian qua; khảo sát, đánh giá lại toàn bộ cây hai bên tuyến đường trên địa bàn các quận, lập hồ sơ chi tiết, đánh giá, phân loại theo tiêu chí xác định. Kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp; khắc phục những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Thông tin đầy đủ, công khai; xây dựng quy chế tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân.
Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét, điều chỉnh Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn năm 2014 -2015 ban hành theo Quyết định số 6816/QĐ-UBND ngày 11-11-2013; thời gian báo cáo trước ngày 30-7-2015; chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo quy định; Chỉ đạo trồng cây hai bên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh theo quy hoạch, đảm bảo cây trồng xanh tốt, góp phần cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị. Chi phí phát sinh do đơn vị tài trợ chịu trách nhiệm thực hiện, không sử dụng tiền ngân sách.
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận và các đơn vị liên quan khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu trong kết luận thanh tra; xử lý trách nhiệm tổ chức và cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý, báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 15-6-2015. Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức tiến hành kiểm kê gỗ, củi trong kho, khẩn trương đấu giá theo quy định; rà soát lại đơn giá một số hạng mục liên quan đến việc cải tạo, thay thế cây xanh, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định trước 30-7-2015…
* Trước đó, sáng 19-5, tại cuộc giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo Trung ương, Thanh tra thành phố Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra việc cải tạo, thay thế cây xanh ở một số tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua.
Kết luận thanh tra do ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng, Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội ký cho biết, qua thanh tra chủ trương cải tạo, thay thế cây xanh đô thị ở Hà Nội “chưa phát hiện thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình tổ chức thực hiện”. Tuy nhiên, kết luận thanh tra cũng cho biết việc triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương này còn một số hạn chế, thiếu sót. Cụ thể, đề án chưa nêu rõ tiêu chí để đánh giá, phân định và làm rõ: số lượng cây dự kiến phải chặt hạ, thay thế do có nguy cơ đổ gẫy, cây khô chết, cây sâu mục, cây che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong tổng số 2.208 cây. Số lượng cây dự kiến dịch chuyển để trồng theo quy hoạch, số cây dự kiến từng bước thay thế do cây không đúng chủng loại đô thị, cây cấm trồng, cây có nhiều sâu bọ ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị; số lượng dự kiến trồng bổ sung mới tại các tuyến phố, tại dải phân cách…, do đó khi tổng hợp thành số liệu 4.500 cây là chưa cụ thể từng nội dung việc cải tạo, thay thế cây xanh theo Kế hoạch làm cho dư luận lo ngại về số lượng cây sẽ bị “chặt hạ” quá nhiều.
Trong khi đó, công tác thông tin tuyên truyền sau khi đề án được phê duyệt lại không đầy đủ, rõ ràng dẫn đến việc báo chí và nhân dân hiểu lầm, bức xúc, hoang mang, lo lắng cho rằng thành phố có chiến dịch chặt hạ 6.708 cây xanh. Bên cạnh đó, việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây bao gồm cả việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, cây bổ sung, chi phí bó vỉa gốc cây và hoàn trả vỉa hè cho toàn bộ 6.708 cây là không chặt chẽ, không khoa học, chưa phù hợp với từng nội dung thực hiện cho từng loại cây, từng tuyến đường phố, gây nghi ngờ, băn khoăn việc có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng... Theo Thanh tra TP Hà Nội, trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, thiếu sót trên trước hết thuộc Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông của thành phố, các cơ quan chức năng được giao thực hiện; lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng có phần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thiếu sát sao, cụ thể.
Trong công tác tổ chức thực hiện, Thanh tra TP Hà Nội cho rằng, việc khảo sát chưa kỹ trước khi cấp phép dẫn đến cấp giấy phép một số cây trồng thay thế, bổ sung không đảm bảo điều kiện để trồng (86 vị trí vướng công trình, hạ tầng), trách nhiệm thuộc Tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì khảo sát, kiểm tra tình trạng cây trước khi cấp phép. Trong thực hiện theo giấy phép chặt hạ cây xanh cũng có sai sót. Đó là việc Sở Xây dựng cho phép Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thịnh An chặt hạ 19 cây và Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Vĩnh An chặt 20 cây trong khi 2 công ty trên không phải là đơn vị được giao thực hiện chặt cây xanh được nêu trong giấy phép. Trách nhiệm này thuộc Sở Xây dựng.
Đặc biệt, việc nghiệm thu, giám sát kết quả tổ chức thực hiện của 3 công ty gồm Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thịnh An, Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Vĩnh An thiếu thành phần xác nhận của UBND phường sở tại là chưa thực hiện đầy đủ thành phần quy định theo quy trình kỹ thuật cắt sửa, chặt hạ cây bóng mát. Bên cạnh đó, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh trồng 8 cây trên phố Huế khi chưa được cấp phép là chưa thực hiện nghiêm túc về quy trình.
Kết luận thanh tra cũng khẳng định việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh được thực hiện theo kiểu duyệt một đằng làm một nẻo. Cụ thể, theo đề án tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được xác định là một trong những tuyến thực hiện thí điểm việc cải tạo, thay thế cây xanh. Khảo sát về hiện trạng cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh chủ yếu là cây keo lá tràm (81 cây) đã trồng được gần 20 năm, là cây thân giòn, dễ gẫy; cây hoa sữa trồng với mật độ rất dày gây mùi nồng nặc (181 cây), nhiều hộ dân sống ở gần từ lâu mong muốn được thay cây hoa sữa.
Ngoài ra có một số cây mục, không đúng chủng loại cây đô thị như cây bàng, dâu da. Theo Thanh tra TP Hà Nội, việc thay thế cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh đã được cấp phép trồng cây vàng tâm. Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy số cây xanh trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh lại là... cây mỡ. Cụ thể, Thanh tra TP Hà Nội dẫn kết quả giám định của Viện Khoa học lâm nghiệm (Bộ NN-PTNT) và xác minh từ nguồn gốc nơi cung cấp, xác định cây đã trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ. Trách nhiệm này thuộc về đơn vị trồng cây là Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư HDL và đơn vị giám sát là Ban duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng và Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội.
Kết luận thanh tra cũng xác định việc thay thế cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh và cấp phép trồng cây vàng tâm nhưng chưa tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân là việc làm nóng vội, giản đơn. Trách nhiệm này thuộc Sở Xây dựng. Còn trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội.
Từ kết luận trên, Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, điều chỉnh biện pháp, cách làm, khắc phục những việc làm không phù hợp vừa qua trong việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố đảm bảo chặt chẽ, theo đúng quy định, thiết thực, hiệu quả; chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận trong xã hội khi thực hiện. Đáng chú ý, kết luận thanh tra đề nghị “nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố do thiếu kiểm tra, sâu sát trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian vừa qua”. Đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm và xử lý kỷ luật theo quy định đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như trong kết luận nêu.
Thanh tra đề nghị Sở Xây dựng kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng và những cá nhân trực tiếp có liên quan: phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng là những đơn vị có liên quan trực tiếp để xảy ra những hạn chế, thiếu sót đã nêu trong kết luận. Khẩn trương rà soát Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị, làm rõ các tiêu chí đánh giá, phân loại, khảo sát, xác định chính xác về số lượng cây dự kiến chặt hạ, dịch chuyển, trồng thay thế, trồng bổ sung mới và khái toán kinh phí theo từng nội dung thực hiện; đánh giá lại các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện; kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp; khắc phục những thiếu sót, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.
Anh Phương- Thành Nam - Hàm Yên
>> Việc thay thế cây xanh ở Hà Nội: Bán đấu giá nộp ngân sách số gỗ, củi
>> Vụ chặt hạ thay thế cây xanh Hà Nội: Kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc
>> Thành phố Hà Nội tạm dừng việc đốn, thay thế cây xanh trên một số tuyến đường
>> Sở Xây dựng Hà Nội: Loại cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh là vàng tâm