Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri tại Bắc Giang

Ngày 13-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri tại Bắc Giang trước  kỳ  họp thứ  11 Quốc hội  khóa XIII.
Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri tại Bắc Giang

(SGGPO).- Ngày 13-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri tại Bắc Giang trước  kỳ  họp thứ  11 Quốc hội  khóa XIII.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã thể hiện nhiều tâm tư, nguyện vọng. Cử tri Lê Văn Quý (phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) đánh giá cao kết quả thành công của đại hội Đảng XII, những thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ vừa qua. Cho rằng hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ qua có nhiều đổi mới, hiệu quả nhưng cử tri mong muốn các ĐBQH, Quốc hội nhiệm kỳ mới hoạt động hiệu quả hơn.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong hội nghị tiếp xúc cử tri thành phố Bắc Giang.

Theo cử tri Lê Văn Quý, hiện người dân có nhiều bức xúc lớn như nạn kinh doanh da cấp lừa đảo, điển hình là vụ Liên kết Việt vừa qua có tới 60.000 người bị lừa; vụ nhà 8B Lê Trực, Hà Nội xây dựng trái phép nhiều năm liền mới được phát hiện, mà chủ đầu tư cũng chỉ phải chi 12 tỷ đồng tháo dỡ; việc xây dựng resort trái phép ở vườn quốc gia Ba Vì mà không ai biết; nhiều cán bộ ngân hàng sai phạm làm thất thoát tài sản nhà nước... Hàng loạt những vấn nạn khác đang đe dọa cuộc sống của người dân như ô nhiễm thực phẩm, tội phạm lộng hành..

“Nguyên nhân đích thực của tình trạng trên là gì, do cơ quan  thực thi pháp luật nhà nước yếu kém hay giám sát của Quốc hội chưa hiệu quả? Nếu kinh doanh đa cấp được phát hiện sớm hơn, xây dựng trái phép được xử lý kịp thời hơn thì chắc chắn hiệu quả  không trầm trọng như vậy”, cử tri Lê Văn Quý bức xúc đồng thời mong các ĐBQH hoạt động chất lượng hơn, nói được tiếng nói của dân, thúc đẩy hiệu lực quản lý nhà nước. Đặc biệt, kỳ bầu cử tới đây cần kiên quyết không đưa vào Quốc hội những người bất tài, vô dụng, cơ hội chính trị.

Cử tri Lê Văn Quý.

Cử tri Nguyễn Bình Ấp (phường Trần Nguyên Hãn) cho rằng, chúng ta có nhiều luật nhưng thực  thi luật có vấn đề, bộ máy hành chính cồng kềnh, cải cách hành chính chậm chạp. “Tai nạn giao thông còn trầm trọng, một phần do ý thức, văn hóa của người tham gia giao thông nhưng xử phạt không nghiêm, mấu chốt vấn đề là do thực thi luật không nghiêm”-cử tri Nguyễn Bình Ấp nêu.

Các cử tri cũng đặc  biệt lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, nhất là rác thải ở nông thôn vì không có thu gom, xử lý, đe dọa sức khỏe, cuộc sống của người dân. Nhiều cử tri bức xúc tình trạng thu hồi đất của dân nhưng giải quyết bồi thường không thỏa đáng….

Chia sẻ với các cử tri, đồng chí  Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nhìn lại tổng thể 5 năm vừa qua, thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xung đột chính trị, khu vực ngày càng phức tạp.. Tuy nhiên, Việt Nam đã giải quyết rất tốt vấn đề lạm phát và ổn định chính trị. Đặc biệt, năm 2015 Việt Nam đạt tăng trưởng GDP cao nhất trong nhiều năm qua. Nhiều chỉ tiêu chúng ta đạt và vượt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém mà nhân dân bức xúc. Trong đó nổi lên là ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm, tai nạn giao thông gia tăng, tình trạng sản xuất không an toàn  phổ biến; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu của người dân…

Từ những bức xúc của cử tri, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, mặt trận sẽ tăng cường các chương trình giám sát, trong đó có chương trình giám sát đo lường sự hài lòng của người dân đối với bộ máy hành chính nhà nước; giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân.. Đặc biệt, tới đây mặt trận sẽ tập trung giám sát các điều kiện sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, mục tiêu là chúng ta hướng đến một nền sản xuất an toàn, để người Việt không đầu độc người Việt.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chúng ta đang đứng trước cơ hội thuận lợi hội nhập kinh tế thế giới, nhưng nhiều vấn đề phức tạp khác cũng đang phải đối mặt, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu. Ước tính đến tháng 6 này, 2 triệu người dân Việt Nam, nhất là ở miền Trung, miền Tây Nam  bộ đứng trước nguy cơ không có thu nhập do bị khô hạn, xâm nhập mặn.

“Tác động của biến đổi khí hậu đang đến nhanh hơn chúng ta tưởng. Những thách thức trên biển Đông vẫn còn đó, vì vậy trong bối cảnh hiện nay toàn Đảng, toàn dân rất cần đồng lòng đoàn kết, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân  để tận dụng các cơ hội, khắc phục những khó khăn hoàn thành mục tiêu đề ra. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm tốt nhất vai trò của mình để đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, cử tri”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu.

Phan Thảo

Công khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV

(SGGP).- Liên quan đến vấn đề kê khai tài sản với những người được giới thiệu ứng cử vào Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, theo quy định của pháp luật, người được giới thiệu ứng cử vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 bắt buộc phải kê khai tài sản. Theo ông Trần Thanh Mẫn, để việc kê khai tài sản này thực sự phát huy hiệu quả, trước hết cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện các quy định này. Từ người có trách nhiệm phải kê khai cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan đều phải nghiêm túc thực hiện đúng những quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Việc kê khai phải chính xác; việc xử lý đối với những dấu hiệu vi phạm phải kịp thời, nghiêm minh. Đây là việc đòi hỏi rất nhiều yếu tố trung thực, trách nhiệm của người kê khai. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, xác minh kết quả kê khai, coi việc kiểm tra, xác minh là việc làm bình thường và thường xuyên. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, đề cao và phát huy vai trò “tai, mắt” của quần chúng nhân dân trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là ở khu dân cư.

Vẫn theo ông Trần Thanh Mẫn, bản kê khai tài sản của người ứng cử ĐBQH, HĐND phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng bầu cử. Hiện nay, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thành lập tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Tùy theo yêu cầu của tình hình thực tế và căn cứ theo quy định của pháp luật, các đoàn giám sát có thể kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục