Chữ tín

Năm 2014, trong lúc nhiều nơi, nhiều người nuôi bò sữa lâm vào cảnh “bế tắc” vì sữa tươi không có chỗ tiêu thụ, thậm chí có người phải đổ bỏ…thì ông Thi Văn Chói (65 tuổi), ở ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An lại đủng đỉnh “bỏ túi” hơn 1 tỷ đồng nhờ bán được sữa tươi.

Ai cũng thắc mắc, trong lúc có người “sống dở chết dở” thì ông Chói lại kiếm tiền tỷ, vì sao? Ông Chói cười hiền, bảo: “Có gì cao siêu đâu, chẳng qua tôi may mắn gặp được công ty biết giữ chữ tín, rồi tôi cũng cố gắng giữ chữ tín với công ty, nhờ vậy sữa tươi từ mấy chục con bò được bán hết, nên có lời chút ít vậy thôi”.

Theo ông Chói, năm 2014, giá sữa có giảm chút ít, nhưng vẫn giữ được giá 14.000 đồng/kg và nhờ công ty thu mua ổn định nên 40 con bò sữa của ông “đem về” cho ông hơn 1 tỷ đồng tiền lời.

Ông Chói chia sẻ, phần đông người nuôi bò sữa gặp khó trong khâu tiêu thụ sữa tươi là do nuôi tự phát nên không được bao tiêu. Còn sữa bò nhà ông được một công ty ký hợp đồng bao tiêu nên đầu ra ổn định, năm nào cũng thu được lợi nhuận cao.

Cũng theo ông Chói, ông bắt đầu nuôi bò sữa cách đây 26 năm. Lúc đó, gia đình ông chỉ biết làm ruộng, trồng hoa màu và nuôi mấy con bò thịt nên thu nhập rất bấp bênh. “Tự dưng tôi nghĩ đến chuyện nuôi bò sữa và quyết định lấy một số đất chuyển sang trồng cỏ để nuôi bò, đồng thời qua huyện Củ Chi (TPHCM) học kinh nghiệm nuôi bò sữa từ các lão nông ở đây. Khi chuẩn bị mọi thứ, tôi mua một con về nuôi và cũng từ con này tôi gây đàn được 50 con. Nhờ đàn bò này mà kinh tế gia đình có khá hơn trước” - ông Chói tâm sự. Và nhờ đàn bò sữa này mà ông Chói được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh trong nhiều năm liền.

Ông Chói chia sẻ: “Làm cái gì cũng vậy, đừng nóng vội mà phải tính toán cho thật kỹ, nhất là phải tìm cho được nguồn tiêu thụ ổn định. Làm mà thiếu tính toán, làm theo kiểu liều, tự phát, năm ăn năm thua rất dễ thất bại”. Thật vậy, ông Chói là người rất thức thời. Khi nhân đàn bò sữa lên số lượng lớn, ông nhanh chóng tìm cách ký hợp đồng cung cấp sữa tươi với một công ty của Hà Lan đóng ở tỉnh Bình Dương. Và cứ thế, 3 năm ông tiếp tục ký lại hợp đồng với công ty này. Nhờ thế, đàn bò sữa của nhà ông “an tâm” cho sữa. Phần ông cố gắng cung cấp cho công ty đủ số lượng sữa đã ký kết và cố gắng chăm sóc bò thật tốt để bò cho ra loại sữa tốt nhất. Có lẽ nhờ vậy, chuyện làm ăn giữa gia đình ông với công ty này đã hơn 10 năm nay vẫn “xuôi chèo mát mái”.

Ở Long An, không chỉ có ông Chói mà còn có rất nhiều nông dân sản xuất lúa, trồng thanh long, trồng bắp,… biết cách làm ăn bền vững như thế. Họ trồng cây gì, nuôi con gì cũng đều ký kết hợp đồng với các công ty để lo khâu bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt là họ quyết giữ chữ tín, dù giá thị trường bên ngoài có cao hơn giá ký bán cho công ty, không “lật kèo”. Ngược lại, nhiều công ty cũng quyết giữ chữ tín với người dân, họ vẫn mua đúng giá ký kết, dù giá bên ngoài có thấp hơn. Theo các doanh nghiệp và người dân, chỉ có giữ chữ tín với nhau mới có thể làm ăn lâu bền, cùng nhau phát triển. Đây cũng là xu thế tất yếu trong định hướng phát triển trong tương lai, một khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

ĐĂNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục