Mắc-ca (Macadamia) là cây công nghiệp mới được trồng trên đất Tây Nguyên, có giá trị kinh tế cao và được mệnh danh là cây “tỷ đô”. Nhiều chuyên gia cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên cần thận trọng khi mở rộng trồng cây mắc-ca khi chưa có quy hoạch, thị trường, đầu ra… cho người dân. Nếu đưa vào trồng ồ ạt sẽ gặp nhiều rủi ro và lặp lại điệp khúc “trồng - chặt”, từng xảy ra với cà phê, cao su, điều…
Đoàn công tác Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội khảo sát mô hình trồng cây mắc-ca tại xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.
Thử nghiệm hiệu quả?
Theo khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), diện tích mắc-ca Tây Nguyên hiện có khoảng 2.000ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Cây mắc-ca được trồng ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk) khoảng 10 năm. Tại đây hiện có 61ha mắc-ca trồng xen canh trong các vườn cây công nghiệp. Theo một lãnh đạo huyện này, cây mắc-ca trồng ở đây cho cho năng suất cao. Trong đó, loại mắc-ca trồng năm 2004 cho năng suất 40kg hạt tươi/cây; trồng năm 2009 cho năng suất 15kg hạt/cây và trồng năm 2010 cho thu hoạch 7kg hạt/cây.
Ông Nguyễn Văn Cúc (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc) là người đầu tiên trong huyện trồng cây mắc-ca cho biết, hiện vườn mắc-ca của ông có 800 cây trồng xen canh trong 3ha cà phê. Trong số này, có 600 cây cho thu quả ổn định với năng suất năm 2014 là 3 tấn hạt; 200 cây còn lại bắt đầu cho quả trong năm nay. Dự kiến năm 2015, khi tất cả các cây sẽ cho quả thì gia đình ông Cúc sẽ tổng thu 5 tấn hạt. “Mắc-ca trên thị trường giá 150.000 đồng/kg. Nếu so sánh với cà phê cùng trong vườn thì mắc-ca hiệu quả cao gấp 3 lần. Ưu điểm khác của cây mắc-ca là khả năng chịu hạn tốt hơn cây cà phê nên mỗi năm chỉ cần tưới một lần, công thu hoạch, chăm sóc cũng đơn giản, thuận tiện hơn so với cây cà phê nhiều” - ông Cúc chia sẻ. Hiện ông Cúc chỉ mới trồng mắc-ca để bán giống cho người dân chứ chưa bán hạt cho công ty nào cả.
Ông Nguyễn Văn Cúc (ở xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) bên vườn mắc-ca trồng thử nghiệm của mình. Ảnh Võ Phúc.
Mặc dù cây mắc-ca trồng khảo nghiệm ở huyện Krông Năng cho hiệu quả rất tích cực, nhưng thực tế vẫn còn đó nhiều rủi ro mà cây “tỷ đô” đang rình rập người nông dân. Theo UBND huyện Krông Năng, hiện chưa có đánh giá cụ thể về kết quả của mô hình trồng khảo nghiệm; chưa quy hoạch vùng trồng theo điều kiện sinh thái từng vùng trên địa bàn huyện; chưa đầu tư nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ… nên địa phương vẫn chưa triển khai nhân rộng mà khuyến cáo nông dân nên trồng xen trong vườn cà phê để gia tăng giá trị sản xuất và tăng cường che bóng cho cây cà phê.
TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng WASI cho hay: Nhìn chung Tây Nguyên thích hợp với trồng mắc-ca nhưng không phải vùng nào cũng trồng được. Phải thừa nhận cây mắc-ca có giá trị rất cao. Việc trồng xen canh mắc-ca sẽ giúp đa dạng hóa cây trồng, che bóng mát cho cà phê. Viện cũng đã nhập 20 loại giống mắc-ca từ Trung Quốc, Australia… thì chỉ chọn ra 4 giống có thể trồng được ở Tây Nguyên. “Cây giống cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây mắc-ca. Hiện trên thị trường tràn lan điểm bán cây giống mắc-ca không rõ nguồn gốc. Thông thường, sau 5 năm trồng thì mới biết đó là giống tốt hay giống xấu. Lúc ấy nếu phát hiện thì cũng đã muộn, nông dân gánh lấy thiệt hại” - TS Lê Ngọc Báu chia sẻ.
Chưa nên trồng ồ ạt
|
Nhiều chuyên gia cảnh báo Tây Nguyên chưa nên trồng ồ ạt cây mắc-ca. “Qua theo dõi thông tin tôi thấy người nông dân rất thích trồng cây này nhưng đúng là họ vẫn băn khoăn khi trồng bán cho ai, ai tiêu thụ, ai chế biến, xuất khẩu thế nào? Dù nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức nhưng mới chỉ mang tính chất giữa các cơ quan doanh nghiệp với nhau còn người dân tham gia không có. Có một điều đáng lưu ý ở đây là cây mắc-ca không phải chỗ nào cũng thích hợp để trồng, vì thế ngay cả Tây Nguyên cũng ít vùng thực sự phù hợp cho cây mắc-ca. Tôi cho rằng vùng trồng cũng rất quan trọng, phải quy hoạch đúng với vùng phù hợp điều kiện sinh thái, có vùng trồng thích hợp. Còn nếu để dân trồng ồ ạt tôi tin chắc rằng trong thời gian tới sẽ có một số vùng thất bại. Thực tế hiệu quả kinh tế chúng ta mới đang căn cứ vào thông tin thế giới chứ Việt Nam chưa có sản phẩm để xuất khẩu” - TS Trần Vinh, Phó Viện trưởng WASI nhấn mạnh.
Hạt của cây mắc-ca rất có giá trị, sản lượng trên thế giới hiện cũng chỉ đáp ứng 20% - 25% nhu cầu nhưng để phát triển cây trồng này không phải dễ. “Điều tôi băn khoăn là rất nhiều năm như thế nhưng rất ít nước trên thế giới phát triển cây này. Phải chăng có cái gì khó khăn khiến họ không thể phát triển nhiều lên được? Dù rằng Australia đã phát triển cây này từ lâu như vậy tại sao lại không thể phát triển mạnh lên dù biết rõ nhu cầu là có, giá cả, lợi nhuận có?” - TS Vinh băn khoăn.
Tại chuyến thăm vùng trồng mắc-ca ở huyện Tuy Đức vào ngày 8-4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở lãnh đạo địa phương, ngành chức năng cũng như nông dân cần thận trọng trong việc phát triển loại cây trồng này, vì đầu tư nhiều tiền nhưng phải mất 6 năm mới thu hoạch. Nếu không chọn đúng chủng loại giống sẽ rất nguy hiểm. Nhà nước đã có vai trò định hướng, doanh nghiệp cần làm tốt việc kết nối thị trường với người dân, nhà khoa học.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (giữa) thăm mô hình ươm giống cây mắc-ca tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, Đắk Nông. Ảnh: Công Hoan
CÔNG HOAN - VÕ PHÚC