Từ một người buôn thúng bán bưng kiếm sống, bà Tư đột nhiên được thần thánh hóa thành “má Tư chữa bách bệnh”. Do niềm tin mù quáng, mỗi ngày có từ vài chục đến vài trăm người đến chờ chực để được “má Tư” chữa bệnh bằng… nước lã.
Bệnh gì cũng một cách chữa
Trong vai người bệnh, chúng tôi tìm đến nhà “má Tư” (cách mà người bệnh thường gọi bà Tư) tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Mới hơn 8 giờ sáng nhưng căn nhà nhỏ nằm trong hẻm Nguyễn Bỉnh Khiêm tấp nập người đến chờ chữa bệnh. Vừa lấy xong số thứ tự thì bị cúp điện nên bà Tư ngừng chữa bệnh, mọi người lục tục ra về. Bà Tư dặn chúng tôi ngày mai đến sớm.
Do lượng người đến chữa bệnh quá đông nên giờ này đã phải đi lấy số, nếu để sáng mới lấy số thì ít nhất cũng đến thứ 60 - 70, như vậy đợi dài cổ mới đến lượt mình. 4 giờ sáng, người bệnh bắt đầu kéo đến nhà bà Tư. Khoảng hơn 7 giờ, bãi gửi xe ở cạnh nhà bà Tư đã kín xe gắn máy. Đến khoảng 9 giờ, căn phòng dùng chữa bệnh đã chật kín, bà Tư quyết định cho khóa cổng, không nhận thêm bệnh nhân.
Với số thứ tự gần 100, chúng tôi có dịp ngồi chờ để tận mắt quan sát “phương pháp” chữa bệnh của bà Tư. Trong căn phòng nhỏ và luôn phải bật điện, bà Tư (đã hơn 80 tuổi) ngồi trên chiếc ghế bành quay lưng vào tường, bên cạnh là một thùng đựng tiền công đức, trên thùng để một bình nước và vài cái ly, phía trước mặt bà Tư đặt một chiếc ghế cho bệnh nhân ngồi.
Theo thứ tự, bệnh nhân ngồi lên ghế, hai chân gác lên đùi của bà Tư. Bà lấy một chút nước lã vẩy lên người và quệt sáp (giống dầu cù là) lên mặt bệnh nhân, rồi xoa xoa, bóp bóp từ đầu đến chân bệnh nhân. Chừng 5 phút, bệnh nhân đổi tư thế quay lưng lại, bà Tư dùng chân đạp mạnh vài cái vào lưng… là xong. “Phương pháp” chữa bệnh đó được bà Tư áp dụng cho hầu hết các bệnh nhân, bất kể bị bệnh gì. Một số người còn được bà Tư dùng chung một lưỡi dao lam chích vào hai bên bờ vai để nặn “máu độc”. Nếu bị bệnh về mắt thì nhỏ chung một lọ thuốc V.Rohto. Ngoài ra, bệnh nhân nào cũng phải mang sẵn một chai nước lọc, chữa bệnh xong, bà Tư mở nắp chai nước, miệng lẩm bẩm vài câu “làm phép” để người bệnh mang về nhà uống chứ hoàn toàn không thuốc thang gì.
Sau khi được chữa bệnh, bệnh nhân “tự nguyện” góp tiền công đức, vái lạy “má Tư” rồi ra về. Theo quan sát của chúng tôi, cứ một lần đến chữa bệnh, mỗi bệnh nhân thường góp vào thùng công đức 20.000 - 50.000 đồng, bỏ riêng vào túi áo của bà Tư 20.000 đồng. Người nào “sộp” thì số tiền cao hơn và dường như không ai không góp tiền.
Hết bệnh chỉ là tưởng tượng
Lấy lý do đi mua nước, chúng tôi rời nhà bà Tư để trở lại gặp gỡ một số bệnh nhân ở khu trọ đầu hẻm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tại đây có khoảng 30 người từ khắp nơi đến chữa bệnh, từ Đà Lạt, Đạ Huoai, Lâm Hà, Di Linh (Lâm Đồng), đến tận Quảng Ninh, Hà Nội… Mỗi người một bệnh, nhưng chung quy đều là bệnh hiểm nghèo, đã đi chữa nhiều nơi không khỏi. Và một điều lạ là ai cũng nói rằng đến bà Tư chữa thì bệnh có giảm.
Trao đổi về vấn đề này, bà Đinh Thị Phúc, Trưởng phòng Y tế huyện Đức Trọng, cho biết, bà Tư hành nghề khoảng 3 năm nay, “chỉ chữa bệnh bằng tâm linh, mê tín dị đoan chứ không chích thuốc, bốc thuốc cho uống”. Do người bệnh quá tin, rồi nghĩ rằng mình hết bệnh chứ thực tế thì chẳng có hiệu quả gì. Năm ngoái, phòng y tế phối hợp với cơ quan liên quan đến kiểm tra và yêu cầu bà Tư ngừng hoạt động thì bà cũng chấp hành, đi nơi khác một thời gian rồi lại trở về.
Ông Dương Văn Dìn, Tổ trưởng Tổ dân phố 29 (thị trấn Liên Nghĩa), cho biết, bà Tư sống ở đây đã lâu, trước đây làm nghề buôn thúng bán bưng. Khi tổ dân phố đến kiểm tra để kê khai nhân hộ khẩu thì bà Tư nói rằng ở nhà con gái nơi khác chứ không ở đây, nên cũng không hỏi tên tuổi thực. Chủ tịch UBND thị trấn Liên Nghĩa Lê Công Tuấn khẳng định sẽ kiểm tra, nếu bà Tư chữa bệnh trái phép và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thì kiên quyết xử lý theo quy định.
Nam Viên