Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN) cùng BSA | Liên minh Phần mềm vừa khởi động “Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập”. Như thế, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ (SHTT); công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về SHTT sẽ được tập trung đến cuối tháng 4 này và theo như công bố sẽ tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh vào các tháng tiếp theo. Nhìn toàn cảnh về vấn đề SHTT, thì đây còn xem như một “cuộc chiến”… vẫn chưa có hồi kết.
Khởi động “Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập” chỉ ra nhiều việc phải làm để thực thi quyền SHTT
Vi phạm SHTT khắp các lĩnh vực
Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH-CN, Trưởng ban Thường trực Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2012-2015 (Chương trình 168), các lực lượng thực thi quyền SHTT trong phạm vi toàn quốc đã xử lý 26.004 vụ việc với tổng số tiền phạt trên 68 tỷ đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với khoảng 70 tấn thực phẩm chức năng các loại, hàng chục ngàn chai rượu ngoại, gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược, 80.900 tấn phân bón và hàng triệu sản phẩm điện tử, túi xách, giày dép, quần áo thời trang, lương thực thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp...
Riêng trong lĩnh vực thực thi bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính, báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết năm 2015 đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất 89 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính tại các địa phương trên cả nước. Đoàn thanh tra đã kiểm tra 3.942 máy tính và số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 2,52 tỷ đồng.
Còn ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình Tuân thủ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA | Liên minh Phần mềm, cho rằng: “Với sự hỗ trợ to lớn của chính phủ, những chương trình này đã đem lại những hiệu quả tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy tội phạm an ninh mạng đang diễn ra, ngày càng gia tăng và vượt biên giới. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho các tổ chức, các doanh nghiệp phải thận trọng để bảo vệ mình từ các mối đe dọa ngày càng tăng của phần mềm độc hại và trộm cắp dữ liệu thông qua việc áp dụng chương trình quản lý phần mềm hiệu quả. Với việc áp dụng hiệu quả chương trình quản lý tài sản phần mềm, những sự cố an ninh mạng sẽ giảm đi rất nhiều…”.
Tiếp tục thực thi quyền SHTT
Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT đối với sự phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là yêu cầu của Hiệp định TRIPs. Trong thời gian tới, để phù hợp với các cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về SHTT, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, quyền tác giả và các vấn đề về thực thi quyền SHTT (theo đó tiếp tục xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính và tăng cường thực thi quyền bằng biện pháp dân sự, hình sự, bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số). Với yêu cầu đó, Chính phủ Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền SHTT đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam…
Với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quyền SHTT đã góp phần tích cực cho việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT hiện nay vẫn còn gặp nhiều thách thức, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền SHTT một cách hiệu quả trước các hành vi xâm phạm ngày một gia tăng và phức tạp. Chính vì thế, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh cho rằng cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý SHTT, các cơ quan thực thi quyền SHTT từ trung ương đến địa phương; các cơ quan thông tấn báo chí với vai trò là cầu nối, đưa các kiến thức và thông tin tuyên truyền các vấn đề liên quan đến SHTT cũng như trách nhiệm của chủ thể quyền trong việc tự bảo vệ quyền SHTT và ý thức của người tiêu dùng đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT...
Bên cạnh việc bảo hộ quyền SHTT đầy đủ theo quy định của pháp luật nhằm khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo, thì thực thi hiệu quả quyền SHTT nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và cho xã hội, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo là một đòi hỏi cấp thiết. Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan Chính phủ thì sự tham gia tích cực và chủ động của các chủ thể quyền đóng vai trò hết sức quan trọng. |
BÁ TÂN