Chưa đấu giá tần số vì vướng cả pháp luật lẫn thực tiễn

Về phương thức cấp phép, lý giải lý do tại sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy cho biết, có cả những vướng mắc về quy định pháp luật lẫn thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy báo cáo tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy báo cáo tại phiên họp

Sáng 18-8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Phiên họp.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy cho biết, dự thảo vẫn giữ quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động được cấp phép. “Quy định áp dụng với mọi doanh nghiệp. Do đó, không gây bất bình đẳng đối với một doanh nghiệp cụ thể nào, không làm giảm sức cạnh tranh của thị trường và cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Lê Quang Huy khẳng định, đồng thời cho biết không trái với khoản 2, điều 14 và điều 33 Hiến pháp năm 2013, Luật Cạnh tranh.

Về phương thức cấp phép, lý giải lý do tại sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT cho biết, có cả những vướng mắc về quy định pháp luật lẫn thực tiễn.

Năm 2010, Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực. Trong giai đoạn 2010-2014, các doanh nghiệp viễn thông không có nhu cầu sử dụng thêm băng tần do vừa mới được cấp phép băng tần cho mạng 3G thông qua thi tuyển vào năm 2009 và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai mạng 3G. Trong những năm này, các quy định pháp luật về đấu giá tần số vô tuyến điện đã cơ bản được hoàn thiện.

Năm 2016, Bộ TT-TT thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai đấu giá các băng tần này. Tuy nhiên, đến năm 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành và có hiệu lực, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về mức thu và phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Bởi vậy, tiến trình đấu giá bị dừng lại để xây dựng Nghị định. Cuối năm 2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP quy định về tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.

Trong thực tiễn, đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, nên cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời nghiên cứu kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức thực hiện đấu giá.

Để tháo gỡ những khó khăn này, dự thảo Luật bổ sung quy định thống nhất thu tiền cấp quyền với tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao, áp dụng đối với cả 3 phương thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp. Dự thảo đồng thời làm rõ các trường hợp được áp dụng đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp; giao Chính phủ quy định chi tiết xử lý các tình huống đặc thù của đấu giá trên cơ sở Luật Đấu giá tài sản; quy định về mức thu tiền cấp quyền đối với các trường hợp cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp.

Về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT cũng dự kiến giữ nguyên thời hạn là 3 năm như dự thảo luật đã trình. Theo đó, 3 năm là thời điểm xem xét doanh nghiệp có nằm trong diện được cấp lại hay không, để doanh nghiệp chuẩn bị các phương án kinh doanh mới; 6 tháng là thời điểm để doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép, cơ quan quản lý thực hiện các thủ tục, cấp giấy phép và thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Tin cùng chuyên mục