Chưa hết bão dập, lại lo lũ dồn

Sau một ngày trời căng mình đợi bão, đến chiều tối 17-7, cơn bão số 1 với cường độ gió giật cấp 12-13 chính thức ập vào bờ, tâm bão xoáy vào 3 tỉnh Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định gây nhiều thiệt hại. Trong lúc đó, nhiều nơi thuộc các tỉnh vùng trung du, miền núi đang gồng mình để ứng phó với lũ ống, lũ quét sau bão.
Chưa hết bão dập, lại lo lũ dồn
  • Bão cấp 12-13 xoáy vào 3 tỉnh Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định gây thiệt hại nặng
  • 6 ngư dân Quảng Ngãi mất tích
  • Huy động tổng lực chống bão, lũ
  • Sơ tán 19.300 dân khỏi vùng nguy hiểm

Sau một ngày trời căng mình đợi bão, đến chiều tối 17-7, cơn bão số 1 với cường độ gió giật cấp 12-13 chính thức ập vào bờ, tâm bão xoáy vào 3 tỉnh Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định gây nhiều thiệt hại. Trong lúc đó, nhiều nơi thuộc các tỉnh vùng trung du, miền núi đang gồng mình để ứng phó với lũ ống, lũ quét sau bão.

  • Tan hoang vùng tâm bão

Lúc 19 giờ ngày 17-7, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương - Ủy ban Quốc gia TKCN đã có Công điện khẩn số 15/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An; các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và miền núi phía Bắc; các bộ Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông Vận tải, Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Để chủ động đối phó với bão, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ và Ủy ban Quốc gia TKCN yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, TP: Căn cứ vào tình hình thực tế, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm đảm bảo an toàn; chủ động đối phó với tình trạng mưa lớn gây ngập úng; chỉ đạo các lực lượng thường trực, cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Trên các bãi biển Quất Lâm, Thịnh Long thuộc huyện Giao Thủy và Hải Hậu (Nam Định), hàng trăm nhà hàng, quán nhậu cách đó một tiếng vẫn đông vui, náo nức du khách nhưng khi cơn bão ập vào, nhà cửa, lều lán đã bị bão thốc tan tành, chỏng chơ, nhiều du khách cuống cuồng bỏ chạy trong mưa bão.

Đặc biệt tại Nam Định, ngay khi có những luồng bão đầu tiên đổ vào từ chiều tối qua, những cơn mưa liên tục xuất hiện với cường độ ngày càng lớn. Toàn bộ các huyện ven biển của Nam Định đồng loạt mất điện. Khi gió bão quét qua, hàng loạt cây trồng bị đổ rạp cùng với nhiều nhà cửa.

Mưa lớn làm mực nước biển dâng cao cuộn theo những cơn sóng dữ đã đánh sạt lở hơn 100m đê biển Cổ Vạy thuộc xã Giao Phong (Giao Thủy-Nam Định) mặc dù trước đó đã được đầu tư, gia cố nhưng vẫn bị sóng biển quật vỡ toang hoác.

Để cứu đê khẩn cấp, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lội mưa, xả thân cứu đê, đắp đập để ngăn nước biển không tràn sâu vào làng mạc.

Trước khi đổ bộ vào bờ, tâm bão đã quét qua các huyện đảo như Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng)…

Theo người dân ở đảo Bạch Long Vĩ, khi tâm bão đi qua, ở đây đã có bão mạnh tới cấp 13 và giật tới cấp 16-17. Sóng biển đánh cao hơn 10m. Nhiều tàu cá của ngư dân về neo đậu tránh bão đã bị đánh vỡ, một số đã bị chìm.

Hiện tại chưa có thống kê thiệt hại cụ thể. Cùng lúc, ở khu bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng), bắt đầu từ 17 giờ, gió đã nổi lên ầm ầm, từng cột sóng cao 4-5m tung bọt trắng xóa ập vào bờ kè. Hơn 1.000 cây xanh bị bão quật đổ, hàng trăm nhà bị tốc mái.

Người dân quận Đồ Sơn sơ tán đồ đạc chạy bão.

Người dân quận Đồ Sơn sơ tán đồ đạc chạy bão.

Tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long (Quảng Ninh) một bè cá bị đứt neo trôi xa cách bờ khoảng 40m. Trên bè có hơn 20 người dân. Nhờ lực lượng tại chỗ, người dân đã được đưa vào bờ an toàn. Tại khu Cảng Mới (TP Hạ Long), nhiều thuyền nan của ngư dân bị bão đánh chìm, lực lượng cứu hộ đã kịp thời đưa hơn 30 người gặp nạn lên bờ. Gió bão làm tốc mái khu tập thể 3 tầng phường Bạch Đằng (Hạ Long), nhiều cây cối đổ gãy tan nát.

Đêm qua, điện lực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã nỗ lực khắc phục nhưng do mưa lớn, gió giật mạnh nên việc sửa chữa khó khăn. Các tỉnh bị ảnh hưởng của bão chìm trong đêm tối do hàng loạt các trạm biến áp không thể hoạt động.

Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định khắc phục sự cố do mưa bão gây ra tại đê Cổ Vạy, Ang Liên Phong, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy

Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định khắc phục sự cố do mưa bão gây ra tại đê Cổ Vạy, Ang Liên Phong, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy

Hiện tại, cơn bão vẫn chưa hoàn toàn tan biến mà đang tiếp tục đi sâu vào trong đất liền, đe dọa các tỉnh, thành Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ. Ngoài ra, do mắt bão rộng, lại có đặc điểm là ở phía Nam của bão có dải mây lớn nên sau khi bão đi qua sẽ hình thành 2 vùng mưa lớn là khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc bộ như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội và Nam đồng bằng Bắc bộ như Thanh Hóa, Nghệ An.

Sóng lớn đánh vào bờ biển quận Đồ Sơn, Hải Phòng.

Sóng lớn đánh vào bờ biển quận Đồ Sơn, Hải Phòng.

  • Đồng bằng chống bão, miền núi chống lũ

Trực 24/24 giờ cấp cứu, điều trị miễn phí nạn nhân

° 6.000 thùng hàng giúp người dân vùng bão

Chiều 17-7, từ các tỉnh Hải Phòng đến Thanh Hóa, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chuẩn bị sẵn 6.000 thùng hàng, 300 lều bạt, 4.000 hộp viên lọc nước và 300 triệu đồng tiền mặt để cứu trợ, giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại do bão gây ra. Trị giá số hàng và tiền cứu trợ lên tới 4,5 tỷ đồng. 3 đoàn công tác của hội cũng lên đường tới các địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất để giúp đỡ người dân.

Cùng ngày, Bộ Y tế tiếp tục có chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa và các đơn vị y tế trực thuộc kiểm tra ngay các biện pháp phòng chống bão, bảo đảm các cơ sở y tế hoạt động an toàn trong mưa bão, không để người bệnh, nhân viên y tế bị thiệt mạng do lũ, bão. Đặc biệt, các cơ sở y tế phải tổ chức trực, cấp cứu 24/24 giờ sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân trong mọi tình huống thiên tai. Đồng thời, các địa phương tổ chức các trạm, đội cấp cứu bám sát các khu vực dân cư tạm sơ tán.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, bão số 1 có mắt bão lớn, vùng tâm ảnh hưởng rộng, trọng tâm là các tỉnh từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa, vùng Nghệ An cũng bị đuôi bão quét qua. Trọng tâm bão đổ bộ trên địa bàn 3 tỉnh, thành là Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình.

Bão đổ bộ kết hợp với thủy triều và nước biển dâng từ 3-5m trên địa phận các tỉnh từ Quảng Ninh tới Nam Định. Nước biển dâng từ 3-5m kết hợp thủy triều, gây nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Từ đêm 17, mưa lớn kéo dài nên khả năng gây úng ngập rất cao.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, sau bão đổ bộ, bắt đầu từ hôm nay 18-7, các tỉnh phải chuyển sang đối phó với ngập úng và sạt lở đất, vùng bão đi qua chuyển sang khắc phục hậu quả.

Tính đến chiều tối 17-7, các tỉnh, thành: Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình đã sơ tán gần 19.300 dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hai tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa vẫn chưa sơ tán dân vì còn tiếp tục theo dõi diễn biến sau bão.

Cũng theo ông Tám, sau bão, các bộ, ngành và địa phương cần chuyển ngay sang phương án đối phó với ngập úng và sạt lở đất. Bộ Công thương cần đảm bảo điện cho các trạm bơm tiêu hoạt động tiêu úng kịp thời, đặc biệt trên địa bàn Hà Nội.

Ông Tám đề nghị lực lượng tìm kiếm cứu nạn tìm mọi biện pháp để tiếp cận với các ngư dân bị nạn nhanh nhất. Cần tính đến phương án nhiều vùng bị chia cắt do lũ quét để tích trữ lương thực và thuốc men đảm bảo cuộc sống người dân.

Cây lớn bị gió quật đổ bên bờ biển Đồ Sơn.

Cây lớn bị gió quật đổ bên bờ biển Đồ Sơn.

  • Hà Nội: Tập trung chống ngập 

Trước dự báo khu vực Hà Nội sẽ có mưa lớn, cục bộ với lượng mưa có thể lên đến 200-300mm, đến ngày 17-7, công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão, úng ngập của các sở, ngành, quận, huyện thị xã trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản hoàn tất. Để tránh lặp lại tình trạng úng ngập như trận mưa lịch sử cuối năm 2008,

Công ty TNHH Nhà nước một thành viên thoát nước Hà Nội đã huy động 100% quân số ứng trực nhằm hạn chế thấp nhất úng ngập khu vực nội thành; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, máy móc, thiết bị sẵn sàng hoạt động tại các điểm thường xuyên xảy ra úng ngập.

Bộ Tư lệnh thủ đô chỉ đạo các đơn vị bắt đầu từ 13 giờ 30 ngày 17-7 trực 100% quân số tại đơn vị; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lực lượng phục vụ công tác PCLB và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Sở NN-PTNT huy động 720 máy bơm sẵn sàng cho việc tiêu úng khi xảy ra mưa; triển khai nghiêm túc việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời khi xảy ra mưa bão...

Ngày 17-7, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã trực tiếp thị sát các trạm bơm trọng điểm của TP, các mương thoát nước chính trên địa bàn. Tại trạm bơm Yên Sở, nơi chịu trách nhiệm tiêu úng 2/3 lượng nước của nội đô, 9 tổ máy với công suất 160.000m³ nước/giờ vẫn đang sẵn sàng vận hành nếu úng ngập xảy ra. Lãnh đạo UBND TP yêu cầu các chủ đầu tư dự án chỉnh trang đô thị cùng vào cuộc xử lý để tiêu thoát nước. Theo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, đơn vị này đã báo cáo với UBND TP Hà Nội về việc sẽ cắt điện các khu vực bị ngập do mưa bão gây ra

Lực lượng Vùng 1 hải quân sẵn sàng đến các khu vực xung yếu khắc phục hậu quả cơn bão số 1 gây ra. Ảnh: C.T.V.

Lực lượng Vùng 1 hải quân sẵn sàng đến các khu vực xung yếu khắc phục hậu quả cơn bão số 1 gây ra. Ảnh: C.T.V.

Nhóm PV

Nghệ An: Di dời dân khỏi vùng nguy hiểm

Ngày 17-7, các địa phương tỉnh Nghệ An triển khai các phương án đối phó với bão, đặc biệt là khu vực ven biển. Đã có 4.482 tàu thuyền với 23.000 lao động về nơi trú ẩn an toàn, trong đó có 5 tàu neo đậu tại Quảng Ninh, 18 tàu tại Hải Phòng, 2 tàu ở Vũng Tàu, 10 tàu tại Thanh Hóa và 93 tàu tại Hà Tĩnh. Huyện Quỳnh Lưu là huyện trọng yếu ven biển, có nhiều tàu thuyền nhất Nghệ An với 2.200 tàu, nhiều đầm nuôi thủy hải sản, cảng cá… Công tác bảo vệ tàu thuyền, tài sản và lên phương án di dời dân khỏi các vùng nguy hiểm được tiến hành chu đáo. Các vùng nguy hiểm như 67 hộ dân tại các xóm Phong Thắng, Phong Thái (xã Tiến Thủy) được bố trí đưa về trường cấp 2 của xã.

Thanh Hóa: 1 người mất tích do tắm biển

Mặc dù đã được cảnh báo nhưng sáng 17-7 vẫn có người ra bãi biển Hòa Hải (huyện Tĩnh Gia) để tắm. Hậu quả là một người bị sóng cuốn trôi cho đến chiều tối cùng ngày vẫn chưa tìm được thi thể. Nạn nhân bước đầu được xác định là một cô gái quê Sơn Tây (Hà Nội) cùng một nhóm bạn đi chơi và xảy ra sự cố.

Tại huyện Hậu Lộc - một trong những địa bàn trọng yếu ven biển Thanh Hóa có một đoạn đê biển tại thôn Ninh Phú (xã Đa Lộc) đang được xây dựng, nếu sóng lớn rất dễ bị cuốn trôi. Hậu Lộc cũng có hàng trăm tấn muối có nguy cơ tan biến vì đang phải cất giữ trong các nhà tạm. Tỉnh Thanh Hóa huy động 500 chiến sĩ công an, 500 bộ đội và 200 bộ đội biên phòng sẵn sàng cơ động khi có lệnh; ngoài ra 5 xe tải, 30 xe khách cũng sẵn sàng để phục vụ khi có yêu cầu đến các vùng trọng yếu, đặc biệt là vùng miền núi như Mường Lát.

Hà Tĩnh: 1 tàu vận tải cát bị chìm

Ngày 17-7, tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện lượng mưa vừa đến mưa rất to kèm gió mạnh. Toàn bộ tàu thuyền trên biển vào nơi trú ẩn. Riêng 4 tàu đánh cá (có gần 20 thuyền viên) của ngư dân xã Thạch Kim và Thạch Bằng, thuộc huyện Lộc Hà trước đó bị mất liên lạc, nay các lực lượng biên phòng Hà Tĩnh đã bắt được liên lạc và kêu gọi vào bờ trú ẩn an toàn.

Trung tá Trần Vĩnh Dũng, Đồn trưởng Đồn biên phòng 168, đóng tại huyện Cẩm Xuyên cho biết, vào lúc 18 giờ 15 phút chiều 16-7, tại khu vực biển Cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, một tàu vận tải cát (chưa đăng ký BKS) công suất 22CV do anh Kiều Viết Hải (SN 1980, trú tại thôn 6, xã Cẩm Lĩnh) làm thuyền trưởng trong khi đang trên đường vào bờ để tránh bão thì bất ngờ húc phải lạch ngầm khiến tàu bị vỡ và chìm xuống biển. Đồn biên phòng 168 đã nhanh chóng tiếp cận và đưa anh Hải cùng với 3 thuyền viên trên tàu này vào bờ an toàn.

Bản tin của đài VTV1 về cơn bão số 1 phát lúc 24 giờ ngày 17-7.
Chưa hết bão dập, lại lo lũ dồn ảnh 7

 Video: MINH SĨ (nguồn VTV1)

Thông tin liên quan:

>> Vietnam Airlines hoãn tiếp 11 chuyến bay

>> Quảng Ngãi cứu thêm được 71 ngư dân bị nạn

Tin cùng chuyên mục