Chưa thể cắt giảm khai thác dầu

Như vậy, cho dù đã tranh luận, thảo luận nhiều nhưng đến cuối buổi họp ở Vienne (Áo), Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên sản lượng khai thác 31 triệu thùng/ngày như trong thời gian gần đây. Kết quả được đưa ra trong bối cảnh giá dầu đã sụt giảm xuống mức 38% trong năm nay. Cùng lúc, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hiệp quốc (COP 21) diễn ra tại Pháp đang thúc đẩy xây dựng tiến trình hướng tới những nền kinh tế xanh, có nhu cầu phát thải carbon thấp cho thấy dầu mỏ hiện nay không còn là sự lựa chọn tối ưu.

Sau tuyên bố của OPEC, đã có nhiều câu hỏi đặt ra liệu đây có phải là quyết định đúng. Một năm trước đây, OPEC được coi là nhân tố khiến giá dầu sụt giảm sâu vì quyết định tiếp tục duy trì sản lượng, khiến thị trường dư cung để buộc các nhà sản xuất với chi phí cao phải chùn bước. Saudi Arabia, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất và là nước định hình chính sách của OPEC, tiếp tục phản đối việc cắt giảm sản xuất trừ khi các nước ngoài OPEC chịu hợp tác. Ngay sau thông tin giữ nguyên sản lượng của OPEC, giá dầu Brent hạ 2,1% xuống còn 42,91 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 2,9% xuống còn 39,9 USD/thùng.

Lý giải cho quyết định của OPEC, các nhà phân tích cho rằng, do các quốc gia sản xuất dầu mỏ cần tiền mặt nên giá càng thấp, họ càng phải bán ra nhiều hơn để duy trì doanh thu như trường hợp của Saudi Arabia. Nước này vẫn tiếp tục tăng sản lượng dầu thô và áp dụng các mức giá ưu đãi cho khách hàng nhằm gia tăng thị phần của mình trên thị trường thế giới. Trong 9 tháng đầu năm 2015, Saudi Arabia đã sản xuất khoảng 10,19 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn mức tương ứng 10,12 triệu thùng/ngày của Nga. Saudi Arabia vẫn tăng nguồn cung cho thị trường vì tin rằng đó sẽ là công cụ mang tính chiến lược để giành lại thị phần trên thị trường dầu mỏ quốc tế từ tay các nhà sản xuất không thuộc nhóm OPEC, đặc biệt là các nhà sản xuất dầu khí đá phiến Mỹ vốn đã và đang tăng mạnh về quy mô kể từ năm nay. Không ít dự đoán cho rằng, ngoài Saudi Arabia, Iraq, Nga, Mexico, các nước sản xuất dầu lớn khác sẽ khai thác dầu hết tốc lực để bảo vệ thị phần, khiến thế giới ngày càng thừa nhiều dầu hơn. Theo hãng tin Bloomberg, việc OPEC không thay đổi chính sách sẽ dẫn đến lượng dầu tồn kho của thế giới tiếp tục tăng cho tới quý 3-2016.

Thêm một yếu tố dẫn tới quyết định trên của OPEC là sự xuất hiện của Iran trong thị trường xuất khẩu dầu sau khi được gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Tuyên bố chung của OPEC nhấn mạnh, việc thay đổi sản lượng xuất khẩu dầu của tổ chức này chỉ xảy ra sau khi có những kết luận chính xác về lượng dầu Iran xuất sang các nước phương Tây. OPEC vẫn cần phải theo dõi thêm về hoạt động sản xuất dầu từ các nước không thuộc OPEC trong thị trường toàn cầu.

Quyết định của OPEC hứng chịu không ít chỉ trích vì cho rằng vẫn mang tính bảo thủ cao. Tuy nhiên, một trong những điểm mới tại cuộc họp gây nhiều tranh cãi của OPEC là lần đầu tiên đã đề cập đến việc đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào dầu mỏ, bằng việc tăng đầu tư cho các nguồn nguyên liệu tái tạo nhằm đảm bảo môi trường sống lành mạnh hơn theo mục tiêu mà COP 21 đang theo đuổi. Phái đoàn Saudi Arabia tại COP 21 cam kết thực hiện mục tiêu đưa mức sử dụng năng lượng sạch lên 24% vào năm 2016 thay cho mức chỉ đạt 0,2% trong năm 2015.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục