Chưa thể chiến thắng

Trong bài phát biểu ở lễ tưởng niệm nhân 25 năm vụ đánh bom máy bay hãng Pan Am trên bầu trời Lockerbie, Scotland làm 259 người thiệt mạng, Thủ tướng Anh Cameron cho rằng sự phục hồi của các gia đình nạn nhân cho thấy khủng bố chưa bao giờ là kẻ chiến thắng dù đã cố tình gieo rắc nỗi sợ hãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mặc dù khủng bố chưa bao giờ chiến thắng nhưng cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu vẫn chưa giành thắng lợi tuyệt đối. Thậm chí, khủng bố đang mở rộng mạng lưới bằng nhiều hình thức khác nhau và lây lan như dạng virus rất khó kiểm soát.

Còn nhớ vào tháng 7 năm nay, nước Anh rúng động trước vụ khủng bố từ 2 phần tử Hồi giáo cực đoan. Vụ khủng bố liên quan đến phần tử Hồi giáo cực đoan đầu tiên kể từ sau vụ đánh bom tự sát vào ga tàu điện ngầm ở London năm 2005. Bên cạnh đó là vụ đánh bom ở Boston, Mỹ, vụ bắt giữ con tin tại Kenya cùng hàng trăm vụ tấn công khác xảy ra tại Iraq và Afghanistan khiến hàng ngàn người thiệt mạng trong năm nay. Lo ngại làn sóng tấn công trả thù của Al-Qaeda, Chính phủ Mỹ cũng buộc phải tạm ngừng hoạt động hàng loạt các cơ quan ngoại giao tại Trung Đông - Bắc Phi hồi tháng 8 vừa qua.

Giải đáp thắc mắc “Chuyện gì đã xảy ra với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, tờ Global Research cho rằng những cuộc tấn công liên tục vào hàng loạt các quốc gia từ các nhánh chân rết của Al-Qaeda là minh chứng rõ nét nhất rằng xu thế chống khủng bố toàn cầu mà tất cả các nước đang tiến hành lại chính là môi trường lý tưởng để các nhóm khủng bố xuyên quốc gia phát triển. Các nhóm này phát triển theo tiêu chí trả thù cho cái chết của trùm khủng bố Bin Laden và phản đối sự xâm nhập “bất hợp pháp” của Mỹ và phương Tây vào các quốc gia mà chúng đang muốn giành sự kiểm soát để làm căn cứ.

Theo Global Research, sự “trợ giúp nhiệt tình” của Mỹ và phương Tây ở phong trào Mùa xuân Ảrập đã góp phần tạo điều kiện cho các nhóm Hồi giáo cực đoan gầy dựng lực lượng. Có không ít cảnh báo cho rằng việc trang bị vũ trang cho lực lượng đối lập tại Libya hay hiện ở Syria là sai lầm khi ngày càng có nhiều nghi ngại số vũ khí trên rơi vào tay các nhánh chân rết của Al-Qaeda đang mang danh nghĩa hợp tác với nhóm chống chính phủ. Lực lượng này đã gây ra những vụ thảm sát, những vụ xử tử tàn bạo với người dân Syria. Mới đây, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem so sánh cái mà ông gọi là sự xâm lăng của khủng bố nước ngoài vào Syria với vụ tấn công ngày 11-9-2011 ở Mỹ. Theo Ngoại trưởng Walid al-Moualem, “Làm thế nào mà một số nước cũng bị ảnh hưởng bởi khủng bố, có thể kêu gọi chống khủng bố trên toàn cầu, trong khi vẫn hỗ trợ cho khủng bố tại đất nước chúng tôi? Lời kêu gọi về sự tồn tại của các phiến quân theo chủ trương ôn hòa và cực đoan đã trở thành câu chuyện đùa”.

Năm 2013 sắp kết thúc nhưng nỗi lo khủng bố vẫn còn đó. Theo nhận định của các nhà phân tích, việc tuyên bố một cuộc chiến quân sự chống lại khủng bố với các biện pháp mạnh sẽ chỉ mang lại những kết quả hạn chế, đấy là chưa kể nó sẽ không bao giờ giải quyết được tận gốc của vấn đề. Làm thế nào để loại bỏ được khủng bố trong cuộc chiến kéo dài hơn thập kỷ qua thật sự vẫn còn là bài toán khó của thế giới.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục