Chưa thoát bế tắc

Mặc dù Thủ tướng Anh Theresa May đã cố gắng hoàn tất đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) trong tiến trình đầy khó khăn phức tạp, đưa đất nước rời khỏi EU (Brexit) nhưng điều đó không được Hạ viện Anh ủng hộ và ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà. 

Vậy, vị thủ tướng mới liệu có thể vượt qua khó khăn của bà May không, hay là chọn cách Brexit không có thỏa thuận (Brexit cứng)? Nhiều nhà phân tích cho rằng, Thủ tướng sắp tới của Anh nên chuẩn bị tình huống Brexit cứng sao cho ít thiệt hại nhất. Đó là bước đi thực tiễn hơn là một mực bám lấy thỏa thuận Brexit với EU như bà May.

Theo các báo Anh, vấn đề là Brexit sẽ gây thiệt hại như thế nào với Anh. Dễ thấy nhất là thực phẩm xuất khẩu của Anh vào EU sẽ phải đối mặt với mức thuế 14%, xuất khẩu ô tô Anh sẽ phải đối mặt với mức thuế 10%. Nhiều sản phẩm của Anh sẽ không còn được công nhận để bán trên toàn EU. Các hãng hàng không Anh không còn có thể bay đến, hoặc hoạt động bên trong EU. Đồng bảng Anh có thể sẽ giảm và lạm phát sẽ tăng. Kết quả sẽ là một cuộc suy thoái sâu sắc, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu thuế và làm suy yếu khả năng của chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Về lý thuyết, có thể dự đoán và xử lý những rủi ro này. Nhưng thời gian quá cấp bách khi 31-10 đã là thời hạn cuối Anh phải hoàn tất phê chuẩn thỏa thuận Brexit.

Trong khi đó, theo trang web ConservativeHome của đảng Bảo thủ cầm quyền Anh, trong số 124.000 nhà hoạt động của đảng này có khả năng chọn người kế vị bà May, 75% muốn có một ứng cử viên không chấp nhận Brexit. Còn theo báo The Mirror, tất cả 11 ứng viên thủ tướng của đảng Bảo thủ đều chấp nhận Brexit cứng. Cũng có một khuynh hướng Brexit linh hoạt hơn. Phát biểu trên tờ New York Times, nhà đàm phán Brexit của Ủy ban châu Âu Michel Barnier cho rằng, thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU là lựa chọn duy nhất. Trong khi nhiều ứng cử viên thủ tướng Anh nói rằng, họ muốn loại bỏ vấn đề biên giới với Ireland trong thỏa thuận này, ông Barnier cho rằng, trước mắt Anh nên phê chuẩn thỏa thuận đã ký và sau đó sẽ có thêm nhiều bước đàm phán cụ thể. “Chúng tôi đã nói rằng, sau khi thỏa thuận Brexit được Anh phê chuẩn, chúng tôi có thể bắt đầu ngay lập tức về một giải pháp dài hạn cho biên giới Ireland”, ông Barnier nói. Ông Barnier cũng khẳng định, không thể có chuyện để biên giới tự do mà không có kiểm soát giữa EU và bên ngoài như đề nghị của các thành viên đảng Bảo thủ tại biên giới Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) và Cộng hòa Ireland (thuộc EU) sau Brexit. “Cần có 3 loại kiểm soát ở mọi biên giới bên ngoài của EU để bảo vệ người tiêu dùng và ngân sách của khối, bảo vệ doanh nghiệp và ngăn chặn hàng giả”, ông nói.

Do đó, bất cứ ai chiến thắng trong cuộc đua vào chức lãnh đạo đảng Bảo thủ (sẽ trở thành Thủ tướng) từ nay đến cuối tháng 7 sẽ phải đối mặt với vô số khó khăn do Brexit gây ra. Trong lúc này, đảng Bảo thủ vẫn bị chia rẽ, Anh vẫn bị chia rẽ và Hạ viện cũng không có giải pháp nào sẵn sàng trước sự bế tắc của Brexit.

Tin cùng chuyên mục