Chưa thống nhất nhận định đổi mới kỳ thi quốc gia

Những ngày qua, dư luận xã hội rất bức xúc về việc xét tuyển đại học (ĐH) bị rối loạn, thí sinh và phụ huynh chật vật đi rút hồ sơ để chuyển nguyện vọng xét tuyển... Tuy nhiên mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn khẳng định, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã thành công. Có hay không sự mâu thuẫn giữa quan điểm của Bộ GD-ĐT và thực tế xã hội?
Chưa thống nhất nhận định đổi mới kỳ thi quốc gia

Tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2015

Những ngày qua, dư luận xã hội rất bức xúc về việc xét tuyển đại học (ĐH) bị rối loạn, thí sinh và phụ huynh chật vật đi rút hồ sơ để chuyển nguyện vọng xét tuyển... Tuy nhiên mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn khẳng định, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã thành công. Có hay không sự mâu thuẫn giữa quan điểm của Bộ GD-ĐT và thực tế xã hội?

Bộ GD-ĐT: Kỳ thi nhận được sự đồng thuận

Bộ GD-ĐT cho rằng kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được chuẩn bị chu đáo từ trung ương đến các địa phương, tổ chức theo đúng tinh thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân. Kết quả thi phản ánh trình độ người học, làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp xét tuyển sinh. Kỳ thi nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội, tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thí sinh chật vật rút hồ sơ tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh: Thanh Hùng

Một số khó khăn, hạn chế về kỳ thi được Bộ GD-ĐT chỉ ra là công tác truyền thông cần làm tốt hơn để phổ biến, hướng dẫn cho thí sinh đăng ký dự thi và nộp hồ sơ theo đúng thời gian quy định, nhất là đối với các ngành học, các trường có sơ tuyển. Việc tổ chức thi vào đầu tháng 7 là thời điểm nóng nhất trong năm, bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh thời gian phù hợp. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm công tác ra đề thi, tổ chức thi để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi trong những năm sau.

Để chuẩn bị cho kỳ thi năm 2016, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc từ bộ đến các địa phương, các trường ĐH về công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông để xã hội hiểu rõ và ủng hộ chủ trương, cách thức tổ chức kỳ thi, lợi ích của việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015... Như vậy, qua cách đánh giá của Bộ GD-ĐT cho thấy bộ khá lạc quan về kết quả kỳ thi này.

Rút hồ sơ là những thí sinh muốn làm chủ số phận?

Qua phản ánh của báo chí từ thực tế, ngay trong quá trình diễn ra kỳ thi đã có nhiều “hạt sạn” và quan trọng hơn, ngay từ đầu, báo chí cũng như nhiều chuyên gia giáo dục đã dự báo, với những thay đổi của quy chế tuyển sinh năm nay, việc đăng ký xét tuyển vào ĐH dễ bị “rối loạn”. Thực tế đã diễn ra đúng như lo ngại.

Những ngày này, cả thí sinh và phụ huynh cùng nhiều trường ĐH đang phải vật vã vì việc xét tuyển, dù chỉ còn mấy ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1. Đây là đợt xét tuyển quan trọng nhất vì các trường sẽ tuyển đến 70% chỉ tiêu; còn 30% chỉ tiêu tuyển bổ sung thì tính chất ảo sẽ tăng lên rất nhiều. Quy định về việc rút hồ sơ cũng như thực tế diễn ra đã khiến nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm tải thi cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia là có, nhưng việc nộp và rút hồ sơ quá phức tạp, dẫn đến tốn kém hơn cả thi ĐH như trước đây. Đã có những thí sinh ở vùng cao, vùng xa phải trọ lại ở thành phố cả tuần chỉ để canh việc rút và nộp hồ sơ mà không biết chính xác có đậu vào trường đó không.

Tại hội nghị tổng kết của ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương là đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Vì vậy, trước hết, phải đổi mới nhận thức đồng bộ. Lấy ví dụ từ thực tế về việc rút hồ sơ tuyển sinh ĐH của các thí sinh những ngày gần đây, bộ trưởng cho rằng, đó là do nhiều người vẫn chưa rõ về việc đổi mới. “Thực chất của việc thí sinh ào ạt rút hồ sơ là gì? Nếu mọi chuyện diễn ra phức tạp, rối rắm đúng như báo chí phản ánh thì gay go, vỡ trận rồi. Nhưng chắc chắn cách đánh giá đó không phải theo tinh thần Nghị quyết 29. Bởi chuyện rút hồ sơ đã nằm trong tính toán của bộ. Chúng ta cho phép một sự dao động để các cháu không bị trượt oan, có điểm cao mà vẫn trượt”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích.

Thí sinh và phụ huynh chờ đợi nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: THANH HÙNG

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, những năm trước, việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển khá tù mù, thí sinh chưa biết điểm vẫn cứ phải đăng ký vào một trường nào đó. Thi xong, điểm cao cũng không thể vào các trường “ngon” nữa, nhưng năm 2015 thì khác, thí sinh biết điểm thi rồi mới đăng ký xét tuyển ĐH. Nếu lo lắng, thì trước đây cũng lo. Năm ngoái dù lo nhưng thí sinh “chịu chết”. Thí sinh nào điểm thấp vào được ĐH rồi thì sung sướng, thở phào. Cháu nào điểm cao nhưng trượt thì phải chấp nhận. Còn năm nay cũng là lo, nhưng nỗi lo đã khác. Lo là phải cập nhật được thông tin để thí sinh làm chủ số phận của mình, tránh bị trượt oan. Các trường tuyển được học sinh giỏi. Vậy có rối không? “Nếu ai đó muốn quay trở lại con đường cũ thì cứ nộp hồ sơ vào một trường, đừng cập nhật thông tin gì nữa cả và thấp thỏm nỗi lo may rủi như những năm trước rồi chờ. Những thí sinh nào muốn làm chủ số phận, không chấp nhận may rủi, tự quyết định con đường đi của mình thì phải lo”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh và cho rằng, một trong những nhiệm vụ của ngành giáo dục là từng bước giúp học sinh tự lo cho bản thân, sau lo cho ông bà cha mẹ rồi để lo cho Tổ quốc.

Rõ ràng, về kỳ thi năm nay, có độ vênh khá lớn giữa đánh giá của cơ quan nhà nước và ý kiến của nhiều người trong xã hội, của các cơ quan truyền thông. Tại sao lại có sự vênh nhau đó thì cần phải xem lại vấn đề này một cách thấu đáo.

LÂM NGUYÊN


Năm đầu tiên tập dượt đổi mới

Ngày 20-8 là thời hạn cuối để thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1. Vì vậy, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật, nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn lặn lội đến các trường đại học để rút hồ sơ. Dự báo, trong vài ngày cuối cùng của đợt xét tuyển này, tình trạng nộp hồ sơ của thí sinh sẽ càng phức tạp hơn. Ngày 16-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã tiếp tục có công điện gửi các trường đại học, các sở GD-ĐT về vấn đề xét tuyển. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) một số vấn đề liên quan đến tuyển sinh.

Chưa thống nhất nhận định đổi mới kỳ thi quốc gia ảnh 3

* Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1, trong khi tình hình vẫn đang diễn biến hết sức rối rắm. Bộ GD-ĐT có giải pháp gì để tháo gỡ?

* Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Ngày 16-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có công điện yêu cầu các trường đại học, các sở GD-ĐT, các trường THPT tăng cường lực lượng, máy móc để hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong việc rút hồ sơ; các trường phải sắp xếp hồ sơ một cách khoa học để bảo đảm việc rút hồ sơ của thí sinh nhanh gọn, chính xác. Các sở GD-ĐT phải hỗ trợ thí sinh tối đa trong việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Về phía thí sinh, các em cần lưu ý: Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng tại sở GD-ĐT, trường THPT, vì bộ đã yêu cầu chuẩn bị phòng máy, cán bộ hỗ trợ các em. Bộ GD-ĐT đã tạo điều kiện hết sức có thể để hỗ trợ thí sinh. Tuy nhiên, vì tâm lý “chắc ăn”, rất nhiều thí sinh và người nhà đã đến tận trường đại học để rút và nộp hồ sơ, gây ra tình trạng vất vả mà vừa qua chúng ta đã chứng kiến.

* Nhìn một cách tổng thể thì Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc xét tuyển năm nay, liệu có hiệu quả hơn năm trước hay ngược lại?

Hiệu quả hơn trước nhiều chứ. Thứ nhất, các trường tốp trên tuyển được hầu hết các học sinh giỏi. Khi đầu vào tốt thì các trường sẽ cạnh tranh nhau trong đào tạo, kết quả là chúng ta có đầu ra chất lượng cao, tạo sự cạnh tranh cho thị trường lao động vì có được một nguồn nhân lực chất lượng. Điều này cũng hạn chế được may rủi của mọi năm là thí sinh điểm cao cũng bị trượt đại học. Đây cũng là cơ hội để chúng ta thực hiện phân tầng, xếp hạng đại học thông qua chất lượng đầu vào, đầu ra.

Thứ hai, đối với thí sinh thì năm nay xét tuyển có lợi hơn rất nhiều. Ví dụ năm ngoái, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có 30.000 em đăng ký thi vào, chỉ tiêu chỉ có 4.000, như vậy có tới 26.000 thí sinh thi rớt, trong đó có nhiều em điểm cao vẫn rớt. Nhưng năm nay, khi canh thông tin, chỉ có khoảng 10.000 thí sinh nộp hồ sơ vào, như vậy số thí sinh rớt sẽ giảm đi rất nhiều. Như vậy là cơ hội trúng tuyển của các em năm nay lớn hơn nhiều. Chỉ với cơ chế xét tuyển năm nay các em mới làm được điều đó. Bộ GD-ĐT đã tạo tối đa cơ hội cho các em, vấn đề là các em có sử dụng được thế mạnh đó một cách hiệu quả hay không. Một điều các em cần nhớ là các em phải dựa vào ngành nghề mà mình yêu thích. Cùng một ngành nhưng có nhiều trường đào tạo, vì vậy các em phải chọn đúng ngành mình thích và chọn nộp hồ sơ vào trường phù hợp với năng lực của mình. Không thể và không nên chạy theo đám đông, cứ nộp hồ sơ vào những ngành, những trường tốp trên rồi sau đó lại phải chật vật rút hồ sơ.

* Nhưng rõ ràng, những phiền muộn về việc xét tuyển đại học năm nay là điều không thể phủ nhận?

* Bộ GD-ĐT sẽ phải họp rút kinh nghiệm rất nhiều về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 cũng như việc xét tuyển đại học 2015. Qua đó, những gì cần phát huy sẽ được phát huy, những gì chưa được sẽ phải khắc phục cho mùa tuyển sinh năm sau. Vì là năm đầu tiên chúng ta thực hiện đổi mới tuyển sinh nên còn nhiều bất cập, chúng ta sẽ phải rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần cho phương án năm sau. Trước khi thực hiện đổi mới kỳ thi năm 2015, chúng ta đã trải qua 13 năm thi đại học 3 chung, năm nào thi 3 chung xong Bộ GD-ĐT cũng phải rút kinh nghiệm để hoàn thiện thêm quy chế tuyển sinh. Mục đích của chúng ta là làm thế nào để thuận lợi cho thí sinh nhất. Năm đầu tiên thực hiện kỳ thi “2 trong 1”, chắc chắn không thể hoàn thiện ngay.

Vấn đề đặt ra là Bộ GD-ĐT, các sở, các trường và các em thí sinh sẽ phải quen dần với việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nếu cứ nộp và rút hồ sơ theo cách truyền thống (đến tận nơi để nộp và rút) thì sẽ rất vất cả cho cả thí sinh và các trường. Thời kỳ hội nhập rồi, chúng ta phải quen dần với việc đăng ký xét tuyển trực tuyến hay nộp hồ sơ qua bưu điện. Nếu như thí sinh ứng dụng được CNTT thì các thủ tục sẽ được đơn giản hóa rất nhiều, đó cũng là cách đăng ký xét tuyển hiệu quả và an toàn nhất. Tuy nhiên, như trên đã nói, chúng ta phải chấp nhận vì là năm đầu thực hiện nên thí sinh, các trường chưa thể quen với việc ứng dụng CNTT. Hãy coi như đây là lần đầu tiên chúng ta tập dượt với sự đổi mới. Tôi tin từ năm sau sẽ ổn hơn.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ chú trọng tuyên truyền tốt hơn cho thí sinh để các em có thể ứng dụng CNTT trong xét tuyển. Tương tự như việc các em đăng ký du học nước ngoài, tất cả thủ tục đều thực hiện qua mạng, đâu có chuyện đến tận nơi để nộp hay rút hồ sơ. Tóm lại, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm rất nhiều từ việc xét tuyển năm nay để thay đổi quy chế tuyển sinh, hoàn thiện cho phương án thi cử, xét tuyển năm sau. Đặc biệt, sẽ phải tăng cường truyền thông tới các em thí sinh, bởi tâm lý thí sinh không thể thay đổi một sớm một chiều.

Thí sinh hãy dần tập làm quen lo cho việc của mình. Năm nay, vì là năm đầu tiên thực hiện đổi mới nên bộ vẫn để “trung gian” là sở GD-ĐT, trường THPT hỗ trợ các em. Sau này, các em thí sinh sẽ phải tự mình làm hết mọi việc khi tính toán, quyết định việc xét tuyển của mình. Các em sẽ phải tiếp cận các giải pháp đổi mới, đó cũng là cơ hội để các em trưởng thành lên trong bối cảnh đất nước chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay. Không thể cứ mãi làm theo cách truyền thống. Phải quen dần với sự đổi mới. Tất cả những bất cập vừa qua Bộ GD-ĐT sẽ có giải pháp để hạn chế, đi vào ổn định lâu dài.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

PHAN THẢO (thực hiện)

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng thời gian làm việc để phục vụ thí sinh rút hồ sơ

(SGGP).- Đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) nguyện vọng 1 đang diễn ra. Dự kiến trong những ngày cuối của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (từ 17 đến 20-8), số lượng thí sinh đến các trường để nộp, rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) có thể rất đông. Chiều tối 16-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có công điện yêu cầu giám đốc các sở GD-ĐT; giám đốc/hiệu trưởng học viện, viện, trường ĐH-CĐ về việc xét tuyển.

Theo đó, để chủ động phục vụ thí sinh và thực hiện thành công kỳ tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đề nghị giám đốc sở GD-ĐT và hiệu trưởng các trường chủ động huy động đủ nhân lực, tập trung phương tiện kỹ thuật, tăng thời gian làm việc hàng ngày… để tiếp nhận ĐKXT, rút hồ sơ ĐKXT của thí sinh trong các ngày từ 17 đến 20-8. Các trường chỉ đạo cán bộ tham gia công tác tuyển sinh chủ động phân loại, sắp xếp, quản lý hồ sơ ĐKXT của các thí sinh có điểm thấp hơn mức điểm trong phạm vi chỉ tiêu tuyển sinh để việc rút hồ sơ ĐKXT của các thí sinh được thuận lợi, nhanh chóng.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục