(SGGP). - Tại phiên họp sáng 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tạm thời chưa thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, nhằm tiếp tục cân nhắc kỹ hơn những tác động toàn diện của việc điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên đối với môi trường đầu tư kinh doanh nói chung cũng như quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Được biết, trước đó 3 đại sứ Canada, New Zealand và Australia đã có thư chung gửi tới lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Bộ Tài chính để bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp trước, dự kiến điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên mà Bộ Tài chính thừa ủy quyền Chính phủ trình tại phiên họp sáng 12-10 đã có một số điểm điều chỉnh. Đơn cử, đối với vàng, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức thuế suất từ 15% lên 17% (tại Tờ trình số 289/TTr-CP trước đây, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế suất đối với vàng từ 15% lên 22%). Đối với đồng, để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, tránh gia tăng chi phí cũng như tạo thêm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp, Chính phủ trình điều chỉnh mức thuế suất từ 10% lên 13% (dự kiến trước đây tăng từ 10% lên 15%). Tương tự, đối với niken, trước đây Chính phủ đề xuất tăng mức thuế suất từ 10% lên 12%, nay đề nghị giữ mức như hiện hành (10%)...
Cũng trong sáng 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ về số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà và tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu, khí nộp tập trung về Petro Vietnam năm 2012. Theo tờ trình của Chính phủ, số tiền này của năm 2012 khoảng 12.930 tỷ đồng. Trong đó đã bố trí 3.500 tỷ đồng đầu tư cho các dự án trọng điểm dầu khí, đã thu 5.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Số còn lại chưa xử lý trong năm 2012 là 4.430 tỷ đồng. Chính phủ kiến nghị thu trực tiếp vào ngân sách nhà nước 50%, đầu tư trở lại cho Petro Vietnam 50% bằng phương pháp ghi thu - ghi chi để tập đoàn thực hiện một số dự án, công trình trên biển đảo được Thủ tướng giao.
Lãnh đạo Petro Vietnam cho rằng, số tiền này không đủ để thực hiện nhiệm vụ được giao, còn lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, toàn bộ lãi được chia của nước chủ nhà phải nộp ngân sách, phần đầu tư lại phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến của Thường trực ủy ban nhất trí với phương án Chính phủ trình. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc bố trí để lại cho Petro Vietnam ít nhất 50% lợi nhuận từ phần được chia cho nước chủ nhà. Sau khi bàn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đề xuất của Chính phủ về phương án của năm 2012, song từ năm 2013 trở đi, sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Bộ Tài chính xây dựng nghị định để quy định cụ thể về nội dung này, tránh việc phải trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hàng năm.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Hiến pháp sửa đổi và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, khai mạc ngày 21-10 tới.
ANH THƯ