Chưa trả lời được câu hỏi “chạy ai, ai chạy?”

Các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là chủ đề thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 29-3.
Chưa trả lời được câu hỏi “chạy ai, ai chạy?”

(SGGPO).- Các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là chủ đề thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 29-3.

Đồng tình với những nhận xét khái quát trong các bản Báo cáo, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Chủ tịch nước, Chính phủ phân tích, đánh giá sâu sắc hơn quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; đặc biệt là những hạn chế trong việc thực thi trọng trách ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy chính sách.

“Dân biết, Đảng biết, ban ngành đều biết nhưng chạy ai, ai chạy thì vẫn là câu hỏi không trả lời được. Tinh giảm biên chế cũng là vấn đề chưa làm được”, ĐB Phương phát biểu. Ông Nguyễn Ngọc Phương cũng thẳng thắn nhận xét rằng các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa có sự cân đối khi đánh giá về thành tích và hạn chế: “Báo cáo của Tòa án dành 23 trang kết quả, thành tựu, trong khi chỉ dành chưa đến 1 trang để nêu những hạn chế chung chung. Trong khi có những hạn chế tồn đọng lâu nay chưa được giải quyết như oan sai, bỏ lọt tội phạm, người tạm giam tạm giữ bị đánh chết; đơn thư giám đốc thẩm tuy đã nỗ lực giải quyết nhưng vẫn còn nhiều”.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) bày tỏ quan tâm đến ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân và cho rằng đang có một sự “xuống cấp” nghiêm trọng trong vấn đề này: Nhiều khi việc vi phạm pháp luật lại được coi là rất bình thường, thậm chí dừng xe khi đèn đỏ mà không có cảnh sát thì bị coi là hâm.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng một trong những nhiệm vụ then chốt của bộ máy nhà nước nhiệm kỳ tới là phải tăng cường giáo dục pháp luật và kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật.

Có chung nhận định này, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng một trong những nguyên nhân là luật có thể đã có, nhưng các văn bản hướng dẫn cụ thể thì vẫn thiếu, hoặc không khả thi. Việc chấn chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật chưa được quan tâm đầy đủ; pháp luật chỉ xử lý phần ngọn - khi vi phạm đã xảy ra, mà không chữa từ gốc.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phát biểu tại hội trường sáng 29-3

Đánh giá chung, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, các báo cáo đã thể hiện tinh thần cầu thị, không đổ lỗi cho khách quan. “Chủ tịch nước đã tận tâm tận tụy phụng sự Tổ Quốc, nhân dân, phát huy vai trò nêu gương trước Đảng, trước bộ máy nhà nước; đóng góp lớn vào tiến trình phát triển. Tuy nhiên, vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước cũng như vai trò trong chỉ đạo các vấn đề quốc kế dân sinh (vay nợ quốc tế, giám sát nguồn vay, đảm bảo an toàn nợ công) thì chưa rõ, có phần do chưa có quy định cụ thể”, đại biểu Bùi Văn Phương nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng nhìn nhận, Chủ tịch nước đã luôn gần gũi, gắn bó với cử tri, nuôi dưỡng tình cảm yêu nước của nhân dân, có thái độ kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền. Ông bày tỏ mong muốn, tới đây Chủ tịch nước cần đóng góp nhiều hơn, đặc biệt là trong vai trò kiểm soát quyền lực như đã được chế định trong Hiến pháp.

Với Thủ tướng Chính phủ, trong khi đánh giá cao việc duy trì ổn định vĩ mô, ĐB Trương Trọng Nghĩa lưu ý: Nếu cứ điều hành theo cung cách cũ thì khó có thể tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình. Tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng công khai, nếu Thủ tướng sớm xử lý kỷ luật một vài vụ thì có lẽ hậu quả đã không nghiêm trọng như khi đổ bể mới đưa ra tòa. Cần mạnh dạn thay thế các Thứ trưởng, Bộ trưởng; lãnh đạo địa phương vi phạm pháp luật thì mới chấm dứt được tình trạng trên bảo dưới làm lơ.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, nếu so sánh với mục tiêu chiến lược 10 năm thì nhiệm vụ còn lại rất nặng nề và đầy thách thức. Ông Trần Du Lịch phân tích: “Tái cơ cấu kinh tế chậm; nông nghiệp đứng trước khó khăn kép, không thuận cả về điều kiện tự nhiên lẫn thị trường. Đặc biệt, tôi rất tâm tư về tình hình nợ công, lãng phí mà nguyên nhân sâu xa là cơ chế lồng ghép ngân sách nhà nước. Chính phủ nhiệm kỳ tới phải ra lại và điều chỉnh việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục