Chưa vì cái chung

Hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần thứ 7 diễn ra trong 2 ngày đã khép lại hôm 19-6 tại thành phố Los Cabos, Mexico. Như những lần trước, việc lãnh đạo các nước G20 tề tựu đông đủ để bàn về cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cùng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu được ví như “bình mới rượu cũ” khi chưa có một giải pháp nào mang tính đột phá được đưa ra. Thêm vào đó, mâu thuẫn giữa các quốc gia ngày càng dâng cao.

Hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần thứ 7 diễn ra trong 2 ngày đã khép lại hôm 19-6 tại thành phố Los Cabos, Mexico. Như những lần trước, việc lãnh đạo các nước G20 tề tựu đông đủ để bàn về cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cùng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu được ví như “bình mới rượu cũ” khi chưa có một giải pháp nào mang tính đột phá được đưa ra. Thêm vào đó, mâu thuẫn giữa các quốc gia ngày càng dâng cao.

Truyền thông quốc tế đồng loạt đưa ra nhận định, mâu thuẫn giữa các quốc gia trong và ngoài Liên minh châu Âu (EU) là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tính khách quan của hội nghị. Trả lời câu hỏi của phóng viên Canada về việc liệu người dân ở khu vực Bắc Mỹ có chịu “đánh liều” để chia sẻ tài chính cho một EU đang suy yếu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – ông José Manuel Barroso đã “tạt gáo nước lạnh” với những người ngoài khối khi khẳng định, chính hệ thống tài chính không bền vững của Mỹ là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng ở EU. Việc ông Barroso cho rằng hội nghị không phải là nơi học cách xoay chuyển trong nền kinh tế hiện nay, càng thể hiện sự miễn cưỡng của các quốc gia có mặt tại hội nghị. Trước đó, tại Hội nghị cấp cao của các nền công nghiệp phát triển (G8) diễn ra hồi tháng 5, Mỹ không ngừng nhắc đến hệ lụy mà nước này phải gánh chịu khi EU gặp khó khăn. Đó là các vấn đề về nợ quốc gia bị ảnh hưởng (các ngân hàng châu Âu hiện nợ Mỹ hàng trăm tỷ USD), xuất khẩu giảm kéo theo sự chững lại của hàng loạt doanh nghiệp. Rõ ràng, Hội nghị G20 lần này không khác gì một diễn đàn để các nước tranh thủ kể khổ và đổ lỗi qua lại.

Mỹ và EU chỉ là 2 trong 3 nhân tố (và Nhật Bản) làm nên một nhóm trong một thể thống nhất G20 hiện đang có sự phân biệt rõ ràng. 3 nhóm còn lại là BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), nhóm các nước trung bình và tổ chức quốc tế. Mỗi nhóm đều muốn chi phối G20 ở một mức độ nhất định và mỗi thành viên trong nhóm cũng muốn khẳng định vị trí độc lập của mình, khiến mâu thuẫn càng chồng chéo. Chính các lãnh đạo ở nhóm Mỹ-EU-Nhật Bản cũng đã thừa nhận điều này. Trong khi đó, nhóm BRICS  dù đã giành được nhiều tiếng nói trong hệ thống mới của G20, tích cực xây dựng hệ thống này nhưng vẫn do dự khi gánh vác trách nhiệm. Ở nhóm thứ ba, mỗi nước có một dự định riêng. Mexico xem G20 là vũ đài mới để nâng cao địa vị quốc tế của mình, muốn nhân cơ hội làm chủ tịch luân phiên của G20 năm 2012 để thúc đẩy tích cực chiến lược ngoại giao lớn. Argentina tuy coi trọng G20 nhưng sẵn sàng đối đầu với các quốc gia khác trong khối để bảo vệ lợi ích của mình về vấn đề nông nghiệp.

Nếu nghĩ G20 chỉ là cơ hội để củng cố vai trò của mình thì các nước khó có thể tìm được tiếng nói chung. Thay vào đó, nên quyết đoán để chọn lựa mục đích duy trì diễn đàn này: nghiêng về tính tạm thời để ứng phó với khủng hoảng hay một cơ chế mang tính lâu dài để quản lý kinh tế thế giới? Nếu đặt phát triển lâu dài lên vị trí ưu tiên thì G20 nên coi trọng cả kinh tế và chính trị thay vì tiếp tục chỉ tập trung vào kinh tế, đặc biệt là vấn đề tài chính.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục