Chuẩn bị chỉn chu, cho một Đại hội gương mẫu

Ngày 1-10, Tổ ĐBQH TPHCM gồm các đại biểu Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Lâm Đình Thắng, Bí thư Quận ủy quận 9; Ngô Tuấn Nghĩa, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, 4 trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, dự kiến diễn ra từ ngày 20-10.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri các quận đã góp ý các vấn đề như quy định cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, sách giáo khoa mới chưa thực sự giảm tải, băn khoăn về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1-7-2021 có kịp tiến độ hay không… Đặc biệt, cử tri các quận bày tỏ quan tâm đến các đề án chính quyền đô thị mà TPHCM đang đề xuất Trung ương cho triển khai thực hiện.

Chuẩn bị chỉn chu, cho một Đại hội gương mẫu ảnh 1 Cử tri quận 1 góp ý với ĐBQH. Ảnh: VIỆT DŨNG
Với các ý kiến cử tri góp ý cụ thể về sách giáo khoa mới, quy định sử dụng điện thoại trong lớp học, đại biểu (ĐB) Lâm Đình Thắng cho biết đây sẽ là cơ sở thực tiễn để các ĐB tham gia ý kiến tại diễn đàn Quốc hội, đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc. ĐB cho biết đây cũng là nội dung dự kiến đoàn ĐBQH TPHCM sẽ chất vấn tại Quốc hội. Kết quả cụ thể sẽ thông báo tới cử tri sau kỳ họp.
Với các đề án chính quyền đô thị, cử tri bày tỏ sự đồng tình, nhất là sau 7 năm TPHCM thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường đã cho thấy hiệu quả cao. Cũng liên quan các đề án này, cử tri Nguyễn Hữu Châu (phường 7, quận 3) cho rằng hiện nay TPHCM nên tập trung chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI - là đại hội gương mẫu như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, còn việc thành lập TP Thủ Đức, không tổ chức HĐND quận, phường cũng phải đến tháng 7-2021 mới được thực hiện.  

Trả lời cử tri, ĐB Trần Lưu Quang thông tin, việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ TPHCM đã được thực hiện từ hơn một năm nay, và hiện đang trong giai đoạn nước rút. Đại hội dự kiến tiến hành phiên trù bị vào ngày 14-10 và bế mạc vào ngày 18-10. ĐB nhấn mạnh việc chuẩn bị Đại hội về công tác tổ chức, nhân sự, văn kiện đã được thực hiện chỉn chu, cho một kỳ Đại hội gương mẫu như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Chuẩn bị chỉn chu, cho một Đại hội gương mẫu ảnh 2 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tiếp xúc cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về việc vì sao phải tính toán sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới, ĐB Trần Lưu Quang chia sẻ trước cử tri rằng, với vai trò đầu tàu kinh tế, khoa học - công nghệ của cả nước, TPHCM có trách nhiệm đi đầu trong việc phát triển thành phố theo xu thế phát triển của thế giới. Nếu không làm điều này, mỗi ngày TPHCM sẽ tụt hậu dần; như vậy sẽ có lỗi với bà con TP, bà con cả nước.

Theo ĐB Trần Lưu Quang, TP Thủ Đức sẽ là vùng đất có mô hình phát triển mới. Nơi đó tích hợp nhiều lĩnh vực đang là thế mạnh của TP như khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, logistics… Đặc biệt những ngành nghề chủ lực ở TP Thủ Đức sẽ có độ kết nối tương tác với nhau rất cao, đào tạo gắn với nghiên cứu, sản xuất gắn với logistics để bán hàng ra tế giới, mua vật tư nguyên liệu về...

“Trả lời câu hỏi tại sao phải 'gấp' vậy, theo quy định đến tháng 5-2021, chúng ta sẽ tổ chức bầu Quốc hội, HĐND các cấp. Nếu bây giờ không làm thủ tục các bước để cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chúng ta phải chờ ít nhất 5 năm nữa. Nếu mọi việc suôn sẻ thì đến tháng 5-2021, chúng ta sẽ bầu hệ thống chính trị ở đơn vị hành chính mới này”, ĐB Trần Lưu Quang thông tin đến cử tri.

Bàn về tình hình tai nạn giao thông, kẹt xe ở TPHCM, cử tri đề cập đến trách nhiệm của nhà nước trong việc đầu tư mở rộng đường sá, phân làn hợp lý… ĐB Lâm Đình Thắng chia sẻ với ý kiến cử tri, đồng thời cũng nêu thực tế ngân sách hàng năm đầu tư cho hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Chỉ riêng TPHCM, để phát triển hạ tầng giao thông trong 10 năm tới, cần khoảng 950.000 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, ngân sách không thể đủ nên phải huy động đầu tư từ nhiều nguồn.
Chuẩn bị chỉn chu, cho một Đại hội gương mẫu ảnh 3 Đại biểu Lâm Đình Thắng chia sẻ ý kiến với cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chia sẻ thêm vấn đề này, ĐB Trần Lưu Quang cho hay, nếu như có đủ số tiền này thì cũng không thể làm ngay được, bởi còn liên quan đến công tác đền bù và nhiều công việc khác, trong khi TPHCM mỗi năm đón thêm 200.000 người đến sinh sống và làm việc. ĐB cũng mong muốn mỗi người dân khi đi trên đường có trách nhiệm, có ý thức hơn thì “sẽ đỡ được nhiều thứ”.

Với câu chuyện ngập nước, hệ thống cống ngăn triều chỉ giải quyết được một phần. Việc nạo vét kênh rạch rất tốn kém mà mỗi năm cũng chỉ làm được 7-8% tổng chiều dài kênh rạch TP.

“Trong nhiệm kỳ tới, có 2 đề án liên quan giao thông và chống ngập cố gắng cải thiện, nói cẩn trọng là cố gắng làm sao để bà con bớt khổ vì kẹt xe, vì ngập nước”, ĐB Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục