(SGGPO).- Bắt đầu ra đời từ những năm 80 của thế kỷ 20 và chính thức được trồng thương mại hóa vào năm 1996, đến thời điểm hiện tại, cây trồng biến đổi gen đã có mặt tại 28 nước (trồng chính thức) và 70 quốc gia đã cho phép sử dụng các sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen như một cách để gia tăng năng suất, thích ứng với yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực.
Đó là thông tin chia sẻ của TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT tại hội thảo về “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam” do Hội Nông dân Việt Nam và Báo Nông thôn ngày nay tổ chức sáng nay 3-12 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng khẳng định, tại Việt Nam, cây biến đổi gen (cụ thể là bắp biến đổi gen) đã được trồng khảo nghiệm từ nhiều năm qua và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để gia tăng năng suất và giá trị.
Đến nay, việc khảo nghiệm đối với các giống bắp biến đổi gen tại Việt Nam đã cơ bản được Bộ NN-PTNT hoàn tất. Bộ NN-PTNT đã quyết định công nhận 4 sản phẩm bắp biến đổi gen được khảo nghiệm đủ điều kiện để làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng đã và đang triển khai các bước khảo nghiệm về tác động môi trường đối với các giống bắp biến đổi gen, đồng thời đã có một số quyết định về việc đánh giá để hướng tới công nhận. Ông Nguyễn Duy Lượng khẳng định: “Đây là bước đi cụ thể để tiến tới thương mại hóa cây bắp biến đổi gen và đưa ra trồng diện rộng trên đồng ruộng, mở ra cơ hội tốt cho người nông dân nâng cao năng suất, lợi nhuận”. Tuy nhiên hiện nay, thông tin về cây trồng biến đổi gen đến với bà con nông dân vẫn còn hạn chế, sai lạc nên cần được tăng cường thông tin và hướng dẫn nhiều hơn. Hội Nông dân Việt Nam cũng cho rằng, việc ứng dụng cây biến đổi gen là điều kiện để đẩy mạnh nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm dần phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập, đảm bảo an ninh lương thực lâu dài.
Như Báo SGGP đã đưa tin trước đó, Bộ NN-PTNT vừa cấp giấy xác nhận thực vật biến đổi gen có đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho 4 sản phẩm bắp biến đổi gen đầu tiên ở Việt Nam gồm giống BT 11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và giống MON 89034, NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam.
Theo đó, giấy xác nhận phê duyệt được ban hành sau quá trình xem xét kỹ lưỡng và được chấp thuận bởi Hội đồng an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi biến đổi gen, theo đúng trình tự được quy định. Đây là 4 sản phẩm biến đổi gen đầu tiên được Bộ NN-PTNT công nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam và đảm bảo là không có bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đối với con người và vật nuôi.
VĂN PHÚC