Theo thông lệ, bước vào tháng 9, các doanh nghiệp (DN) tại TPHCM lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho mùa cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán.
Đến tháng 11, DN sẽ bắt tay triển khai cụ thể, đồng thời tiến hành đánh giá khả năng cầu và sức mua thị trường nhằm đáp ứng hàng hóa ở mức tốt nhất. Đây cũng là mùa tết đầu tiên, TPHCM thể hiện rõ quan điểm sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP.
Doanh nghiệp tại TPHCM cung ứng hàng Tết Bính Thân 2016 dồi dào (Ảnh chụp tại Công ty Vissan) Ảnh: CAO THĂNG
Nguồn cung hàng hóa tăng cao
Theo thông tin từ các DN sản xuất thực phẩm tươi sống trên địa bàn TPHCM, năm nay thời tiết khá thuận lợi cho việc gieo trồng và tăng tổng đàn để cung ứng cho thị trường tết. Cùng với đó là tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tăng trưởng GDP cao hơn năm trước. Đặc biệt, giá dầu giảm là yếu tố cơ bản giúp giảm giá hàng hóa, hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng với mức giá phù hợp và ổn định. Đây là nền tảng để các DN hoạch định kế hoạch sản xuất, tăng sản lượng hàng tết từ 10%-30% so với tết 2015. Nhiều nhóm hàng bình ổn có lượng chi phối từ 35%-52% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 51,7%), đường (47,4%), trứng gia cầm (44,6%), thực phẩm chế biến (38,3%)...
Cụ thể, tại Saigon Co.op dự kiến cung ứng hơn 95.000 tấn hàng, tăng gần 10% so với Tết Ất Mùi 2015, trong đó hàng bình ổn tăng từ 5%-30%. Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, dự kiến Saigon Co.op sẽ cùng một số nhà cung cấp tham gia giảm giá hàng ngàn sản phẩm, mức khuyến mãi từ 10%-50% và kinh doanh hàng trăm mặt hàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức ít nhất 150 điểm bán hàng lưu động đến các xã nghèo ở vùng sâu, khu chế xuất - khu công nghiệp tại TPHCM.
Ông Phan Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Vissan chia sẻ, Vissan đăng ký tham gia chương trình hàng bình ổn Tết Bính Thân 2016 với 3.000 tấn thịt heo, bò; 1.500 tấn thực phẩm chế biến và có kế hoạch dự trữ thêm 20% số lượng hàng so với đăng ký. Tổng trị giá lượng hàng dự trữ tết của Vissan là 600 tỷ đồng. Vissan cam kết sẽ không tăng giá hàng trong dịp tết, dự kiến trong 3 ngày (27, 28 và 29 tháng Chạp), Vissan sẽ giảm giá thịt heo tại các điểm bán ở siêu thị và cửa hàng của công ty tại TPHCM. Mặt hàng mà Vissan kinh doanh trong dịp Tết Bính Thân đa số là nguồn hàng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo Công ty TNHH Ba Huân, để thực hiện kế hoạch phát triển hàng hóa tết, công ty đã tập trung tạo nguồn hàng lớn và đẩy mạnh kênh phân phối. Về nguồn hàng, Công ty TNHH Ba Huân xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao 18 ha tại Bình Dương với tổng đàn khoảng 1 triệu con. Về khâu chế biến, Công ty TNHH Ba Huân mới xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm (ở Long An) với công suất khoảng 5 - 10 tấn thịt gà/ngày và môt số mặt hàng thực phẩm chế biến khác. Công ty TNHH Ba Huân đang đẩy mạnh việc liên kết với bà con nông dân bằng hình thức cung cấp thức ăn, con giống, đảm bảo cung cấp đủ trứng và thịt gia cầm cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, với sản lượng tăng hơn 30% so với năm ngoái.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food Lê Thị Thanh Lâm thông tin, công ty sẽ tăng khoảng 10%-15%. Ngoài những sản phẩm mang tính truyền thống, năm nay Saigon Food cũng đưa ra thị trường một số sản phẩm mới như lẩu hải sản, nem thịt, nem cá hồi…
Ưu tiên hàng VietGAP
Tại cuộc họp triển khai kế hoạch bán hàng bình ổn Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 với DN lương thực - thực phẩm, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, tết năm nay TPHCM đã lên kế hoạch sẽ ưu tiên phân phối các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm giúp người dân có điều kiện mua sắm những mặt hàng chất lượng.
Hiện nay, ngành công thương TPHCM đang tổ chức xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn đạt chuẩn VietGAP, với hơn 50 sản phẩm và kêu gọi DN tăng cường đưa hàng VietGAP vào hệ thống bán lẻ để phục vụ tết. Ông Lê Việt Bảo, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT TPHCM đề nghị các DN liên hệ với sở để làm thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận và hướng dẫn kênh tiêu thụ.
Để chương trình bán hàng bình ổn trong dịp Tết Bính Thân đạt hiệu quả cao, bà Lê Ngọc Đào yêu cầu các DN lương thực - thực phẩm tham gia bán hàng bình ổn phải cung ứng đủ lượng hàng hóa, sản phẩm đảm bảo chất lượng; sản phẩm phải gắn logo của chương trình bình ổn để người dân dễ dàng nhận biết và giá cả không tăng trong 2 tháng tết, tức là từ ngày 8-1-2016 đến ngày 8-3-2016.
Phản hồi ý kiến của một DN cho rằng, đã có điểm kinh doanh hàng bình ổn yêu cầu công ty cung cấp nước mắm giá rẻ nhưng đơn vị không thực hiện vì sợ làm mất thương hiệu sản phẩm, bà Lê Ngọc Đào thẳng thắn, những trường hợp người kinh doanh yêu cầu hàng bình ổn giá rẻ phải loại ngay khỏi chương trình để không làm mất uy tín. Ngoài những mặt hàng đã tham gia chương trình, trong trường hợp DN có những mặt hàng lương thực - thực phẩm mới, nhất là hàng đạt tiêu chuẩn VietGAP nên đăng ký ngay với Sở Công thương để đưa vào chương trình, nhằm làm phong phú thêm các mặt hàng trong dịp tết, giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn.
Tại cuộc họp, các DN cho hay, trong tháng cận tết, các DN đã đăng ký và sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung các mặt hàng như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Tổng giá trị khuyến mãi khoảng 800 tỷ đồng. Riêng DN bình ổn thị trường cùng các hệ thống phân phối xây dựng kế hoạch khuyến mãi, giảm giá sâu đồng loạt các mặt hàng bình ổn trong các ngày cận tết. Cụ thể, giá trứng gia cầm sẽ giảm từ 1.000-2.000 đồng/chục trong 2 ngày trước tết; giá thịt gia súc giảm 5%-10% trong 1 tháng trước tết; giá thịt gia cầm giảm 10% vào 3 ngày cận tết; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5%-7% vào 2 tuần trước tết; rau củ quả, thủy hải sản giảm 15%-20%. Ngoài ra, các hệ thống phân phối lớn của TP còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5%-49% cho hàng ngàn mặt hàng.
Theo dự báo của Sở Công thương, sức mua thị trường sẽ tăng cao khoảng 15% so với Tết Ất Mùi 2015, do vậy các DN cần bám sát thị trường để sản xuất và cung ứng hàng tết ở mức tốt nhất, ổn định giá cả.
Theo Sở Công thương TPHCM, có 11 ngân hàng thương mại cam kết dành nguồn vốn vay cho các DN thực hiện chương trình bình ổn thị trường 2015 với số tiền 11.850 tỷ đồng (tăng 3.550 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5%-2% so với năm 2014). Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị cho mùa kinh doanh Tết Bính Thân 2016 đạt 16.208,8 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn chiếm 6.863 tỷ đồng và nguồn cung hàng bình ổn chiếm từ 30%-40% thị phần. |
HẢI HÀ