Chuẩn hóa cán bộ ngành y - Yêu cầu cấp bách của hội nhập

Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ vừa ban hành các thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành y tế. Trong đó chú trọng đến việc đào tạo, nâng cấp các hệ trung cấp điều dưỡng, dược, hộ sinh, kỹ thuật y… lên “tầm” cao đẳng. Theo lộ trình, từ năm 2021 sẽ chuẩn hóa trình độ cao đẳng và đến 2025 sẽ không còn chức danh trình độ trung cấp.
Chuẩn hóa cán bộ ngành y - Yêu cầu cấp bách của hội nhập

Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ vừa ban hành các thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành y tế. Trong đó chú trọng đến việc đào tạo, nâng cấp các hệ trung cấp điều dưỡng, dược, hộ sinh, kỹ thuật y… lên “tầm” cao đẳng. Theo lộ trình, từ năm 2021 sẽ chuẩn hóa trình độ cao đẳng và đến 2025 sẽ không còn chức danh trình độ trung cấp.

Thiếu và yếu

Chưa nói đến bác sĩ vốn dĩ đã thiếu trầm trọng lâu nay, hiện điều dưỡng, hộ sinh ở nước ta vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước đang phát triển như Việt Nam còn thiếu điều dưỡng, hộ sinh viên. Thống kê mới nhất cho thấy, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ ở nước ta là 1,8; xếp hàng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh qua khảo sát 1.273 bệnh viện (BV) trong cả nước cũng cho thấy toàn quốc mới chỉ có 54.702 bác sĩ và 13.078 y sĩ đang làm công tác điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, còn điều dưỡng, nữ hộ sinh là 120.875 người.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhi

Theo Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, mặc dù nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh tại Việt Nam đã được quan tâm tuyển dụng, nhưng về số lượng và cơ cấu còn thiếu nhiều so với quy định, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế giai đoạn 2010, tầm nhìn 2020 (tỷ lệ phải đạt 3,5 điều dưỡng/1 bác sĩ). Khảo sát của Bộ Y tế cũng cho thấy điều dưỡng, hộ sinh đang công tác tại các BV tuyến tỉnh chiếm tỷ lệ cao nhất (49,8%), sau đó là các BV tuyến quận/huyện (29,1%) và tiếp đến là các BV trực thuộc Bộ Y tế (12,2%). Còn tại các BV ngoài công lập chỉ có 8% và nhất là các BV bộ, ngành chỉ có 0,9% điều dưỡng, hộ sinh đang làm việc. Điều đó cho thấy, sự phân bố lực lượng cán bộ điều dưỡng, hộ sinh có sự không đồng đều giữa các tuyến điều trị cũng như nhu cầu của mỗi tuyến điều trị là khác nhau. 

Bên cạnh đó, trình độ điều dưỡng, hộ sinh cũng còn nhiều chuyện phải bàn. Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đã chuẩn hóa trình độ điều dưỡng, hộ sinh phải từ cao đẳng trở lên, thì ở Việt Nam trung cấp vẫn chiếm đa số (74,6%) và thậm chí vẫn còn 1,6% đang ở trình độ sơ cấp; thậm chí ngay cả điều dưỡng trưởng khoa của nhiều BV trực thuộc các sở y tế địa phương cũng có trình độ chuyên môn chưa phù hợp. “Có tới 48,3% điều dưỡng trưởng khoa có trình độ trung cấp”, bà Hà Thị Kim Phượng cho biết.

Những bất cập

Theo Tiến sĩ Trần Viết Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), nhằm phù hợp với tiêu chuẩn và hội nhập quốc tế, ngành y tế đang từng bước chuẩn hóa trình độ chuyên môn. Trong đó tập trung “nâng cấp” từ hệ trung cấp lên cao đẳng. Những viên chức được cử đi học để đạt trình độ cao đẳng mà không tham gia học hoặc kết quả học không đạt yêu cầu thì sẽ xem xét bố trí lại công tác hoặc tinh giảm biên chế. Cũng theo ông Hùng, Chính phủ Việt Nam đã ký kết thỏa thuận khung về thừa nhận lẫn nhau với 10 quốc gia ASEAN về việc công nhận dịch vụ điều dưỡng trong khu vực. Tuy nhiên, trong khi trình độ điều dưỡng của các nước trong khu vực hiện đã là cao đẳng và đại học thì phần lớn điều dưỡng, hộ sinh ở nước ta chỉ ở trình độ trung cấp, sơ cấp.

Đứng trước tình hình này, ông Hùng đề nghị các đơn vị sự nghiệp y tế ngay từ bây giờ phải khẩn trương có kế hoạch đào tạo để viên chức đã được tuyển dụng (trừ những viên chức có trình độ trung cấp nghỉ hưu trước ngày 1-1-2025) được chuẩn hóa đạt trình độ cao đẳng. Các cơ sở đào tạo cần có kế hoạch tổ chức, đào tạo từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng và từ năm 2021, các đơn vị sự nghiệp y tế không tuyển viên chức là điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược hạng IV có trình độ trung cấp. Thế nhưng, hiện cả nước có khoảng 76 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, 41 cơ sở đào tạo trình độ đại học khối ngành sức khỏe; trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, việc các cơ sở này phải chuẩn hóa toàn bộ số viên chức có trình độ trung cấp của các đơn vị sự nghiệp y tế lên cao đẳng, đồng thời tăng thêm số lượng điều dưỡng, hộ sinh đáp ứng yêu cầu, là một thách thức khá lớn.

GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng nước ta đã hội nhập, nhân viên y tế, bác sĩ, điều dưỡng của các nước cũng có thể được cấp phép hành nghề tại Việt Nam và ngược lại. “Nếu chúng ta không chuẩn hóa trình độ sẽ dễ thua trên sân nhà, nhân viên y tế sẽ thất nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng lao động là Bộ Y tế, nhưng cho phép đào tạo, quy chuẩn đào tạo lại là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là bất cập, là độ vênh giữa đào tạo và sử dụng cán bộ y tế hiện nay”. Mặt khác, nếu không kiểm soát công tác đào tạo thì không chỉ “áy náy” về chất lượng mà còn có thể mất cân đối về chuyên ngành, chuyên khoa, hoặc là đào tạo dư thừa, dẫn đến đào tạo ra không xin được việc!


Theo Bộ Y tế, bắt đầu từ ngày 1-1-2021, các chức danh: điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược hạng IV (hạng thấp nhất trong các chức danh trên) được tuyển dụng phải có trình độ cao đẳng chuyên ngành phù hợp trở lên. Riêng đối với viên chức ở những chức danh trên có trình độ trung cấp đã được tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh nhà nước hạng IV trước ngày 1-1-2021 phải được chuẩn hóa để đạt trình độ cao đẳng đúng chuyên ngành tuyển dụng, chậm nhất phải trước ngày 1-1- 2025.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục