“Phong trào quay trở về với thiên nhiên do nhận thức có sự gần gũi về mặt sinh học của dược liệu thiên nhiên và con người, độ an toàn đã được kiểm chứng qua lịch sử sử dụng lâu dài”, là nhận định chung của nhiều nhà dược liệu học Việt Nam tại buổi báo cáo phân tích xu hướng công nghệ “Sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng từ thảo dược” do Trung tâm Thông tin KH-CN (Sở KH-CN TPHCM) tổ chức vào cuối tuần qua.
Các nhà dược liệu học cho biết, từ sau khi Tây y ra đời, nền y học dân tộc cổ truyền của một số nước trên thế giới bị đẩy vào tình thế khó khăn và có dấu hiệu chững lại. Gần đây, xu hướng sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng từ thảo dược trở nên mạnh mẽ, các sản phẩm được sản xuất và thương mại hóa khắp nơi trên thế giới. Theo thống kê, vào năm 1999, ước tính thị trường dược thảo thế giới là 62 tỷ USD, có thể kể đến Trung Quốc và Nhật Bản như là những nước thành công với việc họ đã tiếp thị nhân sâm ra thị trường thế giới đạt 800 triệu USD. Đến năm 2010, thị trường thực phẩm chức năng vượt 100 tỷ USD/năm…
Ở nước ta, nền y học dân tộc và dân gian đã có từ lâu đời. Theo thống kê của Viện Dược liệu Việt Nam từ 1961 đến 2005, Việt Nam có hơn 10.000 loài thực vật, trong đó có 3.948 loài thuộc 308 họ cây và nấm được sử dụng trong y học cổ truyền và y học dân tộc. Hàng năm nước ta cần khoảng 50.000 tấn dược liệu cho ngành dược nhưng số lượng dược liệu thu hoạch trong nước chỉ đạt 25% - 30% nhu cầu. Phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Tuy nhiên, một lượng lớn dược liệu có nguồn gốc nước ngoài nhập vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc, chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát. Trong khi đó, tại khu vực sản xuất tư nhân, chất lượng dược liệu và đông dược chưa được quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, chưa kiểm soát được chất lượng thuốc nhập nội từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều hiệu thuốc được quảng cáo vượt quá tác dụng thật…
Bên cạnh thuốc, thực phẩm chức năng cũng phát triển chóng mặt trong thời gian gần đây. Tính đến tháng 12-2011, nước ta đã có đến 1.600 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng với gần 4.000 sản phẩm đang lưu hành.
Theo GS-TS Nguyễn Minh Đức (Đại học Y Dược TPHCM), các sản phẩm từ dược liệu đang được ưa chuộng là tín hiệu đáng mừng nhưng cần có định hướng phát triển rõ ràng. Đặc biệt, phải nâng cao công tác quản lý tiêu chuẩn sản phẩm. Ngoài việc nghiên cứu tạo nguồn nguyên liệu, hiện đại hóa và công nghiệp hóa sản xuất, thương mại hóa mạnh hơn sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng; nhà nước nên tiêu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng từ dược liệu như xây dựng tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chí của WHO và các yêu cầu hòa hợp về luật lệ các nước, ứng dụng các kỹ thuật phân tích hiện đại trong tiêu chuẩn hóa, kiểm nghiệm, chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc pha trộn tân dược, độc tố…
TẤN BA