Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều đơn vị xuất bản trong cả nước đã giới thiệu các ấn phẩm về đề tài quân đội, góp phần làm đa dạng hoạt động văn hóa nghệ thuật nhân dịp lễ trọng đại này. Các đầu sách trên khá phong phú về nội dung, từ đề tài lịch sử đến những vấn đề thời sự hôm nay, từ những hoài niệm một thời chiến đấu đến cả những tác phẩm giới thiệu về sức mạnh quân đội.
Về cội nguồn Quân đội nhân dân Việt Nam
Đó là nhan đề cuốn sách mới nhất của Đại tá - nhà văn Đoàn Hoài Trung thuộc chùm sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam do NXB Quân đội nhân dân xuất bản. Tác phẩm dày gần 300 trang, tập hợp 22 bài viết của tác giả về quá trình hình thành QĐND. Để thực hiện những bài viết mang tính nghiên cứu này, tác giả đã phải đi suốt từ Bắc đến Nam, gặp gỡ các nhân chứng, tìm kiếm các tư liệu để giải đáp nhiều câu hỏi trong việc thành lập QĐND Việt Nam mà tiêu biểu là quá trình hình thành Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của QĐND).
Chẳng hạn hầu như ai cũng biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao trọng trách thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân cho đồng chí Văn (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và chiều ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Văn tập hợp 34 đội viên tuyên thệ trước cờ đỏ sao vàng thành lập quân đội sơ khai của QĐND Việt Nam. Vấn đề là ở chỗ trong cuốn Quân đội nhân dân Việt Nam qua những chặng đường chiến đấu do NXB Quân đội nhân dân in năm 1984 ghi lại chi tiết lịch sử này có đoạn: “Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập… Đội có 34 người (có 3 nữ)”. Thế nhưng, một số đội viên còn sống lại khẳng định 34 đội viên đều là nam, không có nữ. Thậm chí, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, trên tấm bia lưu danh các đội viên ngày đó cũng không có tên một đội viên nữ nào.
Trong tác phẩm của mình, tác giả Đoàn Hoài Trung sau một thời gian tìm kiếm khắp nơi, gặp gỡ nhiều nhân chứng mới tìm hiểu được sự thật. Đúng là buổi chiều ngày 22-12 năm đó chỉ có 34 đội viên nam tuyên thệ nhưng vẫn có 3 người nữ tham gia vào thời điểm ấy là các bà Loan, Thanh, Cầm. Có điều các đồng chí nữ lo vấn đề hậu cần cho cả đội và không có mặt trong đội hình tuyên thệ như 34 đồng chí nam. Đặc biệt, một trong ba người nữ đó là bà Đàm Thị Loan, sinh năm 1925, dân tộc Tày cũng chính là vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái, một trong những người đội viên tuyên thệ dưới cờ chiều 22-12-1944.
Như cây phong ba…
Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa của tác giả Lê Văn Chương ra mắt lần đầu năm 2013 (NXB Trẻ xuất bản) đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc trong cả nước. Một trong những yếu tố mang lại thành công cho tác phẩm là tác giả của nó cũng chính là một người lính đang ngày đêm bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Cuối năm 2014, tập 2 của cuốn sách đến tay bạn đọc. Khác với tập đầu, tập 2 ra đời đúng trong bối cảnh tình hình biển đảo Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp. Bản thảo của tác phẩm được hoàn thành ngay trước khi tình hình biển Đông trở nên căng thẳng do sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Là một người lính, tác giả cùng với các đồng đội của mình ngày đêm có mặt trên đội tàu thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam đối mặt cùng các tàu Trung Quốc. Những chi tiết, sự kiện từ cuộc đối đầu đó đã khiến tác giả phải thu hồi lại bản thảo gốc để bổ sung, chỉnh sửa. Bên cạnh đó, với nhiệm vụ là một sĩ quan trinh sát biên phòng, tác giả đã có điều kiện tiếp xúc nhiều với bà con ngư dân duyên hải, nhất là ở tỉnh Quảng Ngãi. Hình ảnh người dân bám biển, cùng chung sức bảo vệ chủ quyền dù gặp rất nhiều khó khăn gian khổ thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng được tác giả ví von như cây phong ba bất chấp bão tố vẫn hiên ngang vươn lên, góp phần khẳng định chủ quyền đất nước.
NXB Tổng hợp TPHCM nhân dịp này giới thiệu một tác phẩm có nhan đề Đôi bờ giới tuyến (1954 -1967) của TS Hoàng Chí Hiếu. Cuốn sách này đề cập đến một công việc đặc biệt của người lính QĐND Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Tác phẩm tái hiện phần nào một số diễn biến nổi bật tại đôi bờ Hiền Lương - vĩ tuyến 17, từ sự thiết lập giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự (1954) đến khi đường chia cắt đất nước được xóa bỏ trên thực tế. Trong suốt khoảng thời gian đó, ở đôi bờ Hiền Lương đã diễn ra cuộc đọ sức “không tiếng súng” nhưng không kém phần căng thẳng, quyết liệt trên nhiều lĩnh vực, với những hình thức đấu tranh đặc thù có một không hai như đấu loa, đấu cờ, sơn cầu, công tác tranh thủ... Vượt lên tất cả sự chống phá quyết liệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam của những người làm công tác bảo vệ giới tuyến cùng sự hậu thuẫn to lớn của nhân dân Vĩnh Linh nói riêng, cả nước nói chung và bè bạn quốc tế, đã giành ưu thế trước chế độ thuộc địa kiểu mới ở bờ Nam. Kết quả là đến năm 1967, với việc khu phi quân sự Nam được giải phóng, đường giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước được xóa bỏ. Quá trình thống nhất đất nước về lãnh thổ bước đầu được thực hiện tại vĩ tuyến 17.
Đầu tháng 12 vừa qua, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật giới thiệu đến bạn đọc một cuốn sách có nhan đề Đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng của hai tác giả là Trung tướng, Viện sĩ Trương Khánh Châu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tá Lê Thế Mẫu, chuyên gia nghiên cứu chiến lược của Viện Chiến lược quân sự, Bộ Quốc phòng. Tác phẩm là kết quả nghiên cứu và tổng kết lịch sử phát triển của ngành kỹ thuật nói riêng và khoa học - công nghệ quân sự nói chung của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng.
TƯỜNG VY