Trong những ngày qua, dư luận quan tâm việc tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bị Nguyễn Mạnh Tường vứt xác xuống sông phi tang. Nhiều bạn đọc nêu thắc mắc: Trong trường hợp không tìm thấy thi thể của chị Huyền, cơ quan tố tụng có thể kết tội Tường chỉ dựa trên lời khai hay không?
Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ: “Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng”. Khi điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội, và ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội. Đây là những vấn đề có liên quan đến bản chất của vụ án, nếu không được làm rõ sẽ không thể đưa vụ án ra xử lý trước pháp luật.
Để chứng minh tất cả những vấn đề nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng phải có đầy đủ chứng cứ. Chứng cứ phải là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Chứng cứ của vụ án có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, như vật chứng, lời khai của những người có liên quan, kết luận giám định và các biên bản về hoạt động điều tra, xét xử, các tài liệu, đồ vật khác.
Theo khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án. Luật quy định rõ “không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Điều này có nghĩa là nếu cơ quan điều tra chỉ dựa vào lời khai của Tường và Khánh để kết luận Tường là tội phạm là làm trái với trình tự, thủ tục tố tụng. Việc khám nghiệm tử thi là bắt buộc để đưa ra kết luận giám định. Đây là cơ sở quan trọng để kiểm tra lời khai của Tường, xác định chính xác tội danh và mức hình phạt. Nếu kết luận giám định cho thấy nạn nhân vẫn chưa chết khi bị vứt xuống sông thì Tường sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
Theo quy định tại Điều 93, có thể có các tình tiết tăng nặng là “để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác” và “giết người vì động cơ đê hèn”. Khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là tử hình. Ngược lại, nếu xác định nạn nhân đã chết trước khi bị ném xuống sông do sự yếu kém về chuyên môn trong quá trình phẫu thuật, thì hành vi của Tường có dấu hiệu của tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp” theo Điều 99 Bộ luật Hình sự hoặc tội “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh” theo Điều 242 Bộ luật Hình sự, có thể có tình tiết tăng nặng “có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm”. Mức hình phạt đối với các tội danh này nhẹ hơn tội “giết người”, mức cao nhất là 15 năm tù.
Như vậy, kết quả giám định pháp y là chứng cứ quan trọng để xác minh lời khai của Tường và Khánh có đúng sự thật hay không. Nó quyết định đến tội danh và mức hình phạt của các đối tượng có liên quan.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư PHANS)