Theo Reuters, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đang hồi hộp chờ phiên mở cửa đầu tuần, khi mà các nhà phân tích đều dự báo bi quan về việc thị trường Thượng Hải sẽ còn tiếp tục mất điểm nhiều hơn nữa vào ngày hôm nay, 7-9. Một số khác lại hy vọng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ bớt bất ổn hơn.
Chưa hết lo ngại
Trong tuyên bố chung sau phiên họp cuối tuần, G20 cam kết, hành động quyết đoán để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kiềm chế các động thái phá giá tiền tệ để tăng cạnh tranh xuất khẩu.
Tuyên bố tuy không đề cập đến Trung Quốc nhưng cho thấy quyết tâm kiềm chế làn sóng phá giá tiền tệ sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ vào ngày 11-8. Đây được coi là cam kết mạnh mẽ nhất về vấn đề tiền tệ của G20 kể từ năm 2013. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên trong bài phát biểu lý giải điều gì đang diễn ra trên TTCK Trung Quốc, đã có tới 3 lần nhấn mạnh rằng, bong bóng trên TTCK Trung Quốc đã “vỡ tung”.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải chìm trong sắc đỏ
Những lo ngại về kinh tế Trung Quốc và toàn cầu đã bao trùm lên thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, dẫn tới tình trạng bán tháo trên diện rộng khắp châu Á, qua châu Âu, sang Mỹ; từ các cổ phiếu của những doanh nghiệp công nghệ khổng lồ, công ty hay tập đoàn công nghiệp danh tiếng cho tới các ngân hàng. Tính chung, chỉ số Dow Jones Industrial Average để mất 3,2% xuống chốt tuần ở 16.102,38 điểm. Chỉ số S&P 500 để mất 3,4%, xuống chốt tuần ở 1.921,22 điểm và thấp hơn phiên đầu năm 6,7%. Tương tự, Nasdaq Composite cũng trượt giảm 3,0% xuống 4.683,92 điểm, lùi 1,1% so với hồi đầu năm.
Kể từ khi đạt đỉnh vào giữa tháng 6 đến nay, chứng khoán Trung Quốc đã giảm gần 40%, buộc Chính phủ nước này phải tung ra những biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ. Tháng trước Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất lần thứ 5 và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng với các ngân hàng thương mại.
Cuộc đua không người thắng
Kết quả khảo sát mới nhất do Financial Times vừa thực hiện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới cho thấy, tỷ giá các đồng nội tệ tại các thị trường mới nổi giảm đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho thương mại thế giới, không giúp tăng xuất khẩu mà ngược lại, làm nhập khẩu giảm sút. Ví dụ, tại Brazil, nơi tỷ giá đồng real giảm 37% trong 12 tháng qua đã làm nhập khẩu giảm 13%. Tương tự, nhập khẩu vào Nga, Nam Phi và Venezuela đã giảm đáng kể do đồng nội tệ của các nước này mất giá. Kể từ tháng 6-2014, các đồng tiền của Nga, Colombia, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Chile đã mất từ 20% đến 50% giá trị so với USD, trong khi đồng ringit của Malaysia và rupiah của Indonesia xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 1998. Chuyên gia kinh tế Neil Shearing phụ trách các thị trường mới nổi của Công ty Capital Economics cho rằng, xu hướng này xuất hiện từ sau cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng kinh tế ở Argentina năm 2001 - 2002, khi nhiều nước có xu hướng điều chỉnh tỷ giá sau khi nhận thấy nhập khẩu giảm sút.
Kết quả khảo sát này gián tiếp cho thấy, bất kỳ cuộc chiến tiền tệ nào xảy ra giữa các nước đang phát triển đều có thể dẫn tới những hậu quả rất lớn, làm suy giảm thương mại toàn cầu và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Cách làm này đang kéo theo việc suy giảm thương mại toàn cầu và sẽ không có nước nào chiến thắng. Financial Times cho rằng các nước đang phát triển có thể cải thiện cán cân thương mại thông qua việc giảm giá đồng nội tệ - chủ yếu nhờ nhập khẩu giảm, chứ không phải xuất khẩu gia tăng.
VIỆT ANH (tổng hợp)