
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện ký kết liên tịch giữa các đơn vị Thành đoàn TNCS TPHCM với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm triển khai mạng lưới phân phối hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường, đã đạt được những kết quả rất khả quan. Với sự tiếp sức của Thành đoàn TP như xây dựng các cửa hàng thanh niên, chương trình đoàn xung kích…, hàng bình ổn ngày càng được phân phối sâu rộng.
Với tiêu chí “Tuổi trẻ TP tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội”, ngay sau khi ký kết liên tịch, Ban Thường vụ Thành đoàn TNCS TPHCM xác định, sẽ tập trung đầu tư xây dựng các “Cửa hàng thanh niên” tại các KCX-KCN, khu lưu trú công nhân, khu nhà trọ, ký túc xá, khu dân cư, các hộ gia đình đoàn thanh niên trên địa bàn TP. Đến nay, đã có 6 cửa hàng thanh niên ra đời, trong đó có 4 cửa hàng liên kết với Saigon Co.op (2 cửa hàng tại huyện Nhà Bè, 1 cửa hàng tại huyện Bình Chánh và 1 cửa hàng tại quận 2) và 2 cửa hàng tại quận 12 liên kết với Satra. Trong đó, các cửa hàng thanh niên đều tập trung phục vụ hàng bình ổn, hàng Việt Nam chất lượng cao cho thanh niên, công nhân. Trong thời gian tới, Thành đoàn sẽ tập trung ra mắt thêm 3 cửa hàng tại các vùng ven, huyện ngoại thành của TP.

Các sở, ngành cùng Thành đoàn TPHCM và đoàn thanh niên của các DN bình ổn trong lễ phát động ra quân bán hàng lưu động, phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa diễn ra đầu tháng 9-2014.
Để củng cố và đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng thanh niên, Thành đoàn TP đang tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá tình hình hoạt động và tìm ra các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng của các cửa hàng. Đồng thời mở các lớp tập huấn kiến thức, trang bị kỹ năng kinh doanh, nghiệp vụ bán hàng và quản lý cho đoàn viên, thanh niên trong việc xây dựng và phát triển các cửa hàng.
Song song đó, Thành đoàn cũng thực hiện Chương trình Đoàn xung kích tham gia bình ổn thị trường. Phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, những tháng đầu năm 2014, Thành đoàn tiếp tục triển khai và tổ chức các đợt bán hàng lưu động bình ổn phục vụ nhu cầu mua sắm của thanh niên công nhân và người dân tại các vùng sâu, vùng xa, bệnh nhân trong các bệnh viện, thanh niên công nhân tại các nhà máy, các KCX-KCN.
Các cơ sở đoàn đã tăng cường cơ chế phối hợp giữa các DN với địa phương để đạt hiệu quả cao nhất trong việc tổ chức đưa hàng bình ổn đến tay người tiêu dùng. Trong đó, Đoàn Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn phối hợp cùng Đoàn Công ty Dệt may Gia Định tổ chức 8 chuyến bán hàng với doanh thu hơn 100 triệu đồng. Đoàn Thanh niên Saigon Co.op phối hợp với các đơn vị tổ chức 446 chuyến bán hàng lưu động với tổng doanh thu hơn 32 tỷ đồng. Đoàn Thanh niên Satra cũng đã thành lập các đội hình thanh niên bán hàng lưu động như siêu thị Sài Gòn, thương xá Tax, Trung tâm Thương mại Satra Phạm Hùng, Công ty Dịch vụ thương mại Cần Giờ, Vissan, Cầu Tre… xung kích tổ chức các chương trình phục vụ tại các khu vực ngoại thành TP như huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ… với 47 chuyến bán hàng lưu động, doanh thu hơn 450 triệu đồng.
Ngoài ra, Đoàn Thanh niên Satra vẫn tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình bán hàng thông qua phiếu đặt hàng trước, như phối hợp với Quận đoàn 1 xây dựng 10 điểm phát phiếu và nhận hàng, phối hợp với Quận đoàn 4 tổ chức bán hàng bình ổn giá đặt hàng trước… Đoàn Thanh niên các quận - huyện cũng chủ động tổ chức nhiều chương trình bán hàng bình ổn ngay tại địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2014 đã tổ chức hơn 98 đợt bán hàng, vừa phục vụ nhu cầu mua sắm cho đoàn viên, thanh niên và người dân trên địa bàn quận, huyện, vừa tổ chức tuyên truyền, tư vấn về sản phẩm Việt Nam.
Bên cạnh đó, các “Phiên chợ thanh niên công nhân” được tổ chức linh động, đổi mới hình thức và đầu tư nâng cao chất lượng, tập trung giới thiệu các mặt hàng bình ổn giá, hàng Việt Nam chất lượng cao. Tính đến hết quý 2-2014, Thành đoàn phối hợp tổ chức được 15 phiên chợ hàng Việt lồng ghép đa dạng các nội dung nhằm tuyên truyền, phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng các mặt hàng Việt Nam, hàng bình ổn chất lượng cao đến với thanh niên công nhân và người dân TP.
Theo nhận định của Sở Công thương, việc phát triển các cửa hàng thanh niên nhằm thực hiện liên tịch của Thành đoàn và các đơn vị bình ổn còn những hạn chế nhất định như số lượng cửa hàng còn ít, sản phẩm bình ổn bán tại các cửa hàng vẫn chưa đầy đủ theo danh mục… song những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Với việc chung tay, góp sức của Thành đoàn cùng đoàn thanh niên của các đơn vị, hàng bình ổn ngày càng phủ kín thị trường, đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu đặt ra theo nội dung liên tịch mà các bên đã ký kết. Cách làm này cũng khẳng định, TPHCM đã và đang thành công trong việc vận động các tổ chức chính trị cùng tham gia vào công tác bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
HẢI HÀ - NGUYÊN PHƯƠNG