Chung tay đưa Nghị quyết về văn hóa vào đời sống

(SGGP).- Ngày 9-1, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo “Những giải pháp tổ chức triển khai Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn thảo về các vấn đề quan trọng nhất liên quan đến nội dung cốt lõi của Nghị quyết 33 đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi nhằm triển khai thực hiện nghị quyết này trên cơ sở những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn hóa, con người Việt Nam. Theo ông Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, văn hóa là một lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội; cùng với phát triển, văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, việc nhận diện về vai trò của văn hóa trong phát triển ngày càng được hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện rõ trong chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Trong thời kỳ đổi mới, tư duy lý luận của Đảng về văn hóa đã được nâng lên một tầm cao mới, Đảng ta xác định, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển, là nền tảng của tinh thần xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu còn không ít vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa, thành tựu trong phát triển văn hóa chưa tương xứng với thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, chưa tác động tới xây dựng con người và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh… Vì vậy, việc tổ chức hội thảo là cấp thiết, nhằm tìm ra giải pháp phát huy thành tựu và khắc phục những yếu kém trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn cũng cho rằng đây là những vấn đề rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi các cấp, các ngành cần kiên trì giải quyết, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Do vậy sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết và lòng nhiệt tình của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách về văn hóa, xã hội là rất cần thiết, hữu ích để Nghị quyết 33 thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn đời sống. Tiếp cận dưới góc độ xây dựng văn hóa trong chính trị ở Việt Nam, GS-TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh việc cần gắn chặt văn hóa với con người, xây dựng và phát triển văn hóa để xây dựng con người Việt Nam theo các đặc trưng văn hóa và các giá trị của con người, của nhân cách. Muốn xây dựng văn hóa trong chính trị, phải chú trọng xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách trong hoạt động chính trị, từ những công dân của nhà nước pháp quyền đến cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ được giao trọng trách ở các cấp, các ngành.

Còn theo GS-TS Đinh Xuân Dũng, Hội đồng Lý luận Trung ương, cần tập trung nhân lực, vật lực và tài lực cho ba lĩnh vực quan trọng tạo nên diện mạo của văn hóa Việt Nam đương đại đó là đời sống văn hóa của toàn xã hội, những sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật đỉnh cao và những công trình văn hóa tiêu biểu, xứng đáng với giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng và cấp ủy các cấp đối với lĩnh vực văn hóa; cần coi trọng đổi mới thực sự tư duy lý luận về văn hóa; đảm bảo định hướng chính trị đi đôi với vận dụng đúng đắn những đặc trưng của công tác văn hóa trong quản lý vĩ mô và vi mô...

Theo ban tổ chức, gần 30 tham luận của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học ở nhiều đơn vị đã đề cập nhiều vấn đề lý luận cũng như thực tiễn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đây sẽ là một bước quan trọng góp phần sớm đưa nghị quyết vào thực tiễn.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục