Chứng thực chữ ký, chuyện tưởng nhỏ mà lớn

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch (thay thế Thông tư  20/2015) vừa được Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp với nhiều nội dung mới đáng lưu ý. 

Trong đó, dự thảo đã quy định cụ thể các trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; đồng thời quy định rõ các ủy quyền về việc tham gia tố tụng, tiến hành những thủ tục hành chính, dân sự để giải quyết các vấn đề liên quan đến sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất, thay mặt ký kết hợp đồng đòi nợ, vay vốn ngân hàng (trừ Ngân hàng Chính sách xã hội) thì không được thực hiện chứng thực chữ ký.

Bên cạnh đó, để giúp cơ quan thực hiện chứng thực tránh mắc phải lỗi chứng thực chữ ký đối với những văn bản có nội dung trái quy định pháp luật (không đúng thẩm quyền), dự thảo quy định rõ việc không thực hiện chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có nội dung thuộc lĩnh vực mà pháp luật quy định phải do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận.

Đồng thời, để giúp các cá nhân, tổ chức khi giao kết hợp đồng hiểu được sự giống nhau và khác nhau của công chứng, chứng thực, từ đó lựa chọn hình thức thực hiện cho phù hợp với yêu cầu, điều kiện và hoàn cảnh của mình, dự thảo đã quy định rõ UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra thông tin về nhà, đất là đối tượng của hợp đồng, giao dịch và có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến để người yêu cầu chứng thực nhận thức rõ trách nhiệm đối với nội dung của hợp đồng, giao dịch và hệ quả pháp lý của việc chứng thực hợp đồng, giao dịch tại UBND cấp xã.

Trường hợp hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cho các bên, thì người yêu cầu có thể lựa chọn công chứng hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng. Đặc biệt, để có căn cứ xử lý thống nhất đối với văn bản chứng thực trái pháp luật, dự thảo đã bổ sung 1 điều hướng dẫn về thu hồi, hủy bỏ văn bản đã chứng thực… 

Nếu được hoàn thiện và ban hành, thông tư này sẽ góp phần chấn chỉnh rất nhiều rắc rối trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Chẳng hạn, do Nghị định 23/2015 chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về nội dung ủy quyền nào được chứng thực chữ ký, nên đã có không ít trường hợp một số văn bản ủy quyền có nội dung liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản (như: ủy quyền định đoạt, quản lý tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất; ủy quyền vay vốn ngân hàng, thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, cơ cấu nợ, quyết định thực hiện các khuyến nghị của ngân hàng...) thuộc diện không được chứng thực chữ ký vẫn được cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký.

Sự đơn giản của thủ tục chứng thực chữ ký cũng đã bị lợi dụng để tự lập ra một số văn bản rồi thực hiện chứng thực chữ ký, thay vì phải thực hiện việc đăng ký, cấp phép theo quy định, làm phát sinh tranh chấp, rủi ro trong các quan hệ, giao dịch dân sự, hành chính. 

Chuyện tưởng nhỏ thôi, nhưng hệ quả pháp lý kéo theo lại cực kỳ khó lường là thế! 

Tin cùng chuyên mục