Chuỗi bến than trên sông Hậu: Nỗi lo ô nhiễm môi trường

Chuỗi bến than trên sông Hậu: Nỗi lo ô nhiễm môi trường

Đoạn cuối sông Hậu chảy ra biển, bờ Bắc thuộc tỉnh Trà Vinh còn bờ Nam là tỉnh Sóc Trăng. Ở bờ Bắc có Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, còn bờ Nam có Trung tâm Điện lực Long Phú với 3 nhà máy điện than ở xã Long Đức (Long Phú, Sóc Trăng). Rồi từ Trung tâm Điện lực Long Phú ngược sông Hậu vài chục cây số nữa sẽ tới Trung tâm Điện lực Sông Hậu có 2 nhà máy điện than ở thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang). Đây là chuỗi nhiệt điện trên sông Hậu và cũng là chuỗi bến than sẽ hình thành trong tương lai.

Bến than và bãi tro xỉ

Ngày 5-1-2011, Trung tâm Điện lực Long Phú khởi công xây dựng Nhà máy Long Phú 1, dự kiến phát điện năm 2014 nhưng nay phải kéo dài đến năm 2019. Ông Trần Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Long Đức, cho biết giai đoạn 1 đã giải tỏa 207ha đất, di dời 315 hộ dân. Cả trung tâm rộng hơn 400ha, trải dài theo sông Hậu khoảng 4km.

Trung tâm Điện lực Sông Hậu cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 ngày 18-7-2010. Lúc đó, tuyên bố phát điện cuối năm 2013, còn bây giờ hẹn đến cuối năm 2019. Diện tích đất đã giải tỏa ở đây được 150ha và còn phải giải tỏa hàng trăm hécta nữa. Hai nhà máy điện trải dài theo sông Hậu và nếu tình trạng khói bay xa gần chục cây số như ở Trung tâm Điện lực Duyên Hải thì có khả năng sẽ bay tới TP Cần Thơ. Phó ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 Phạm Xuân Diệu cho biết, sử dụng công nghệ đốt siêu tới hạn với thiết bị của Hàn Quốc chế tạo theo tiêu chuẩn Mỹ “không gây ô nhiễm như ở Trà Vinh sử dụng thiết bị Trung Quốc”. Ông Diệu cho biết thêm, khi đi vào hoạt động, một ngày nhà máy đốt hơn 10.000 tấn than đá nên có riêng cảng nhập than. Trên bờ, nhà máy có kho chứa than dự trữ cho ít nhất hai ngày. Hiện ở bờ sông Hậu đã xây dựng xong cảng nhập than với nhiều ống thép lớn để sẵn sàng hút than từ tàu thủy.

Cứ một nhà máy có một cảng than, như thế tính từ vùng duyên hải ở cửa biển theo sông Hậu ngược lên với chiều dài chừng 60km sẽ có 9 cảng than đá (Duyên Hải có 4, Long Phú 3, Sông Hậu 2) mỗi năm nhập khoảng 30 triệu tấn than. Hàng năm, các nhà máy cũng sẽ thải ra hàng chục triệu tấn tro xỉ. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích, dù các nhà máy nhiệt điện than dọc sông Hậu được xây dựng với các công nghệ tương đối mới, giảm thiểu phát thải hơn so với các nhà máy trước đó, nhưng trước nguy cơ ô nhiễm không khí và nguồn nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì không thể yên tâm.

Hoang mang tương lai

Trung tâm Điện lực Sông Hậu có 2 nhà máy điện than và bờ sông Hậu đoạn này còn có 3 nhà máy điện than của riêng dự án Nhà máy Giấy Lee&Man.

 

Chuyên gia sinh thái và phát triển bền vững ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Thiện, cho rằng: “Phải minh bạch thông tin để người dân và các bên liên quan chịu ảnh hưởng của các nhà máy, có thể chủ động tham gia giám sát mới hy vọng tránh được sự cố đáng tiếc trong tương lai, bảo vệ được môi trường sống”.

 

Dự án Nhà máy Giấy Lee&Man động thổ sáng 6-8-2007, được giới thiệu là “một trong những nhà máy sản xuất giấy và bột giấy lớn nhất thế giới với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, 100% vốn của Đài Loan”, giai đoạn 1 đầu tư gần 630 triệu USD, sắp đi vào hoạt động. Nhà máy điện có 4 tổ máy, chạy thử gần năm nay khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Trần Văn Nghĩa (74 tuổi, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, cách Nhà máy Lee&Man chỉ vài chục mét) than thở: “Tôi sống chừng này tuổi ở đây, chưa bao giờ khổ như bây giờ, không chịu nổi nữa rồi. Nhà máy Giấy Lee&Man liên tục chạy thử mấy tổ máy phát điện, gây tiếng rền đinh tai nhức óc, không ăn ngủ gì được. Mỗi khi máy điện chạy thử, không thể nói chuyện, ti vi chỉ xem hình chứ không nghe được tiếng”.

Bà Trương Thị Mới, 65 tuổi, bán bún ở chợ Mái Dầm, cũng rầu rĩ: “Không còn khách thì mua bán gì được nữa, sống lây lất qua ngày thôi! Muốn bán nhà cũng chẳng ai mua vì tiếng ồn quá mức”. Cùng ở chợ, bà Trần Ngọc Điệp bức xúc không kém: “Không chỉ tiếng ồn mà khói bụi từ bên nhà máy cũng bay sang đây mù mịt, nhất là khi họ chở đất cát và xây dựng lớn gì bên đó. Nhà phải đóng cửa suốt ngày”. Còn bà Huỳnh Thị Thu Hà bần thần: “Người dân ở đây bị ù tai hết rồi, trẻ con thì không học hành gì được nữa, dù năm học mới đã khai giảng”. Bên dòng sông Hậu, ông Nguyễn Văn Ngài đang loay hoay cho cá ăn, kể: “Bè cá điêu hồng này tôi thả giống cách nay 2 tháng, vốn liếng tập trung gần 400 triệu đồng nhưng đang nơm nớp lo nếu Nhà máy Giấy Lee&Man có xì ra chất gì xuống sông là mất trắng như chơi. Tôi cố gắng nuôi xong vụ này rồi thôi chứ không dám đánh cược với nhà máy nữa”.

Trong tương lai không xa, dọc theo sông Hậu sẽ là hàng loạt bến than và bãi xỉ. Ảnh: SÁU NGHỆ

Gần 40 hộ dân ở ấp Phú Xuân đã ký đơn tập thể, đề nghị chính quyền can thiệp giúp đỡ. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm Trần Thanh Phong cho biết: “Nhận đơn của dân, chúng tôi xác minh thấy đúng như thế, tiếng ồn không còn ăn ngủ gì được. Tuy nhiên, chúng tôi không xử lý được mà chỉ báo về cấp trên”.

Ấp Phú Xuân với chợ Mái Dầm nằm lọt giữa Nhà máy Giấy Lee&Man và Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu. Chợ còn bám được bờ sông Hậu một đoạn ngắn nhờ hai con rạch nhỏ, rạch Mái Dầm ngăn cách với Nhà máy Giấy Lee&Man bên tay phải và rạch Ngã Bát ngăn với Trung tâm Điện lực Sông Hậu bên tay trái.

Trong khi Nhà máy Giấy Lee&Man ầm ầm gây khổ sở cho dân chợ Mái Dầm thì Trung tâm Điện lực Sông Hậu cũng đang rầm rộ xây dựng. Người dân từ khi biết tới đây những nhà máy điện than lớn của Trung tâm Điện lực Sông Hậu chạy thử còn phát tiềng rền khủng khiếp hơn bên Nhà máy Giấy Lee&Man thì đều hoang mang.

Chúng tôi đứng nhìn mà lòng thật buồn: mấy cây số dọc bờ sông Hậu đã kè bê tông, trên sông ít thấy ghe thuyền đánh cá. Sông Hậu cũng như cả mạng lưới sông ngòi ở ĐBSCL lắm cá tôm nhờ hệ sinh thái đa dạng ven bờ; nay trở nên lạnh lùng, đa dạng sinh học đã mất, nguy cơ cạn kiệt thủy sản đã hiện hữu.

SÁU NGHỆ - LAN ANH 

Tin cùng chuyên mục